Bình Thuận: Đa dạng hóa sản phẩm, đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn

Đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt với mục tiêu đón trên 23 triệu du khách, trong đó khách quốc tế chiếm 15%.
Du khách tắm biển ở Mũi Né. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ưu tiên phát triển loại hình du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh là một trong những nội dung chính của Đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Đề án góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của địa phương phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch vùng tỉnh Bình Thuận.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận sẽ đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch cơ bản và tạo sản phẩm du lịch chuyên đề gồm du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển-rừng-đồi cát...

Tỉnh từng bước mở rộng thị trường, tăng lượng khách du lịch lên 11,4 triệu lượt khách vào năm 2025 (trong đó khách quốc tế chiếm 10%), doanh thu du lịch đạt trên 24.600 tỷ đồng và đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10%.

Đến năm 2030 tập trung đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như Du lịch chăm sóc sức khỏe (WELLNESS), du lịch kết hợp hội nghị (MICE), du lịch nghiên cứu, tham quan thành phố Phan Thiết (City tour).

Tỉnh sẽ tăng lượng khách du lịch lên 23,3 triệu lượt (riêng khách quốc tế chiếm 15%), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 70.100 tỷ đồng và đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12%.

Theo đề án, tỉnh Bình Thuận thực hiện đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch theo 4 khu vực.

Phía Đông Bắc gồm 1 dãy ven biển huyện Tuy Phong (Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Liên Hương, Bình Thạnh, Chí Công, Hòa Minh, Phan Rí Cửa và Hòa Phú), phía Đông huyện Bắc Bình (Chợ Lầu, Phan Rí Thành, trọng tâm là đô thị Phan Rí Cửa-Bình Thạnh-Liên Hương.

Sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng, lặn biển, tham quan Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Sản phẩm bổ trợ gồm du lịch văn hóa Chăm, làng nghề đặc trưng, du lịch homestay.

Khách du lịch tham quan tháp Poshanư, điểm đến văn hóa nổi tiếng gần Mũi Né. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khu vực trung tâm gồm Phan Thiết, phía Nam huyện Bắc Bình (Hồng Phong đến Hòa Thắng), dãy ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam (các xã Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành) và đảo Phú Quý, trọng tâm là Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né và Nam thành phố Phan Thiết.

Sản phẩm chủ đạo là Du lịch MICE, du lịch sinh thái biển, rừng, du lịch thể thao biển, cát, nghỉ dưỡng biển, du lịch WELLNESS, mô hình kinh tế ban đêm. Sản phẩm bổ trợ gồm du lịch văn hóa, du lịch homestay; tham quan khu Bảo tồn Thiên nhiên núi Tà Cú, Khu Bảo tồn biển đảo Phú Quý.

Khu vực phía Tây Nam gồm thị xã La Gi, dãy ven biển huyện Hàm Tân, khu vực ven hồ Sông Dinh 3 với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, tham quan các di tích, lễ hội Dinh Thầy Thím, Hòn Bà. Sản phẩm bổ trợ là du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch homestay.

Khu vực phía Tây Bắc gồm một phần huyện Hàm Thuận Bắc (Đa Mi, La Dạ, Đông Giang, Đồng Tiến, Thuận Hòa,…), một phần huyện Hàm Thuận Nam (Thị trấn Thuận Nam, xã Mỹ Thạnh, xã Hàm Cần,…), huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh với các loại hình gồm du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, di tích lịch sử-văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch khám phá, trải nghiệm rừng. Sản phẩm chủ đạo gồm du lịch nghỉ dưỡng rừng, hồ cảnh quan, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm.

Bên cạnh tổ chức không gian phát triển du lịch, đề án còn quan tâm xây dựng chất lượng dịch vụ du lịch cho từng loại hình, sản phẩm du lịch. Cụ thể, phát triển mạng lưới cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch; phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ thương mại; đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch; đào tạo nhân lực du lịch và giáo dục cộng đồng; đổi mới tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Cùng với đó, là định hướng đầu tư và phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, gồm các loại hình Du lịch biển, thể thao, giải trí; Du lịch văn hóa-lịch sử-tâm linh; Du lịch WELLNESS; Du lịch nghỉ dưỡng- MICE; Du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng-biển-đồi cát; Du lịch cộng đồng; Du lịch khám phá, mạo hiểm; Du lịch ẩm thực; Du lịch teambuilding; Du lịch mua sắm.

Khách quốc tế đi dạo trên tuyến đường du lịch Hàm Tiến-Mũi Né, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Đề án cũng đưa ra các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển loại hình du lịch; cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; đẩy mạnh thu hút thị trường, xúc tiến quảng bá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư nâng cao cũng như quản lý chất lượng loại hình, sản phẩm du lịch.

Thời gian gần đây, nhất là sau thành công của Năm Du lịch Quốc gia-Bình Thuận “Hội tụ xanh” năm 2023, du lịch tỉnh Bình Thuận không ngừng tăng trưởng cả về chất và lượng, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong cả nước. Các doanh nghiệp du lịch đã từng bước phục hồi, phát triển, không ngừng tạo ra nhiều sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tăng cường đào tạo nhân lực du lịch.

Bên cạnh khai thác, phát huy tốt các lợi thế tự nhiên, du lịch Bình Thuận khởi sắc còn nhờ vào sự thuận lợi giao thông, kết nối hạ tầng. Hai tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và Vĩnh Hảo-Phan Thiết đi vào vận hành khai thác, rút ngắn thời gian di chuyển từ các địa phương đến Bình Thuận, tạo cú hích lớn giúp ngành du lịch địa phương tiếp tục bứt phá.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, trong 5 tháng năm 2024, tỉnh đón hơn 3,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, trong số đó, khách quốc tế đạt 198.000 lượt khách, tăng 78% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 9.739 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục