Bình Thuận: Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đạt mục tiêu đón 9,5 triệu khách

6 tháng cuối năm, ngành du lịch Bình Thuận tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng tiện ích, dịch vụ để đạt mục tiêu đón 9,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch khoảng 25.500 tỷ đồng.
Hàng trăm con diều với đủ màu sắc và hình dạng được thả trên đồi cát Bàu Trắng, Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh Bình Thuận sáng 23/7, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các đơn vị tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trình thẩm định và phê duyệt theo quy định; triển khai các nội dung của đề án Phát triển kinh tế ban đêm, đề án Đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các đơn vị rà soát, đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án phục vụ du lịch; thành lập đoàn kiểm tra đánh giá lại thực trạng tổ chức hoạt động thể thao mạo hiểm tại Khu du lịch Bàu Trắng.

Ngành du lịch phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch; tăng cường quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cứu nạn, cứu hộ ở điểm tham quan, du lịch, bãi tắm ven biển; nghiên cứu xây dựng trạm cứu hộ tại bãi tắm ven biển, hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn...

Để đạt mục tiêu đón 9,5 triệu lượt khách và tổng thu từ khách du lịch khoảng 25.500 tỷ đồng, trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch tập trung tổ chức các hoạt động như Tuần lễ Vàng Du lịch Bình Thuận gắn với các hoạt động kỷ niệm 29 năm Ngày Du lịch Bình Thuận; Lễ hội Katê 2024; Giải Billiards carom 3 băng vô địch cá nhân thế giới lần thứ 76 và phiên họp Đại hội đồng Liên đoàn Billiards thế giới thường niên tại Bình Thuận, Lễ hội Countdown chào năm mới 2025...

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút và triển khai dự án du lịch, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế để giữ vai trò định hướng, tạo đột phá phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch cao cấp.

Du khách vui chơi tại biển Mũi Né (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bình Thuận tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận thuận lợi, khó khăn trong hoạt động du lịch thời gian qua, đồng thời đề xuất giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Các đại biểu cho rằng hiện nay, tình trạng buôn bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch còn xảy ra một số nơi, nhất là tại các điểm du lịch nổi tiếng như Bàu Trắng, làng chài, đồi cát bay...

Tình trạng du lịch sinh thái tự phát dưới danh nghĩa là bãi cắm trại, homestay, nhất là khu vực ven sông ven suối... đang ngày càng nở rộ.

Thiếu nhà vệ sinh công cộng tại khu, điểm du lịch, khu công viên; ô nhiễm môi trường, rác thải đại dương... là những điểm trừ du lịch Bình Thuận gặp phải.

Ông Phạm Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết mặc dù lượng khách quốc tế đến Bình Thuận đang có những dấu hiệu phục hồi và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa đạt được mức như thời điểm trước dịch.

Hiện nay, thuận lợi từ cao tốc đang là ưu thế, thu hút khách đến với tỉnh nhưng cũng mang đến nhiều thách thức.

Bình Thuận đối mặt với tình trạng “chia khách” với các địa phương có thế mạnh du lịch biển như Khánh Hòa, Ninh Thuận…

Thời gian tới, Bình Thuận cần đề ra giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong việc tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng tiện ích, dịch vụ làm sao để du khách chi tiêu nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, để tăng tính trải nghiệm cho du khách, đồng thời gia tăng chi tiêu của khách du lịch, việc kết nối tạo liên kết chuỗi sản phẩm, điểm đến là một giải pháp.

Nguồn nhân lực giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề tại chỗ, nhất là lĩnh vực du lịch.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Lan Ngọc cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch diễn ra khá sôi động.

Toàn tỉnh đón hơn 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 234.000 lượt, tăng tương ứng 5% và 91% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 11.832 tỷ đồng, tăng 4,3%.

Trong nửa đầu năm 2024, Bình Thuận có 3 dự án du lịch khởi công mới và 3 dự án đi vào hoạt động.

Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 379 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 5.859ha và tổng vốn đầu tư 1.132 nghìn tỷ đồng.

Kết cấu hạ tầng về giao thông được cải thiện; công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch được đẩy mạnh, gắn với triển khai công nghệ số, hệ thống du lịch thông minh phục vụ xúc tiến du lịch, đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn, góp phần thu hút lượng khách lớn từ các tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Các doanh nghiệp du lịch đã phục sau COVID-19, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao, nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đi vào hoạt động. Nguồn nhân lực du lịch từng bước phục hồi và đáp ứng chất lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục