Bình quân 38 người dân thủ đô Hà Nội có một doanh nghiệp

Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội, những năm gần đây, doanh nghiệp ở Hà Nội phát triển cả về số lượng và chất lượng; bình quân 38 người dân Thủ đô/doanh nghiệp, cao gấp 3,7 lần bình quân cả nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng qua các năm; trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97%.

Bình quân 38 người dân Thủ đô/doanh nghiệp, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước.

Hà Nội hiện có khoảng 260.000 doanh nghiệp, đứng thứ 2 trên cả nước. Trung bình trong 3 năm gần đây, Hà Nội có khoảng trên 20.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất ít (khoảng 0,1% trong tổng số các doanh nghiệp khởi nghiệp).

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân là do còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp. Cụ thể, các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai ở nhiều cấp nhưng thủ tục hành chính vẫn còn liên quan đến nhiều sở, ngành nên việc giải quyết hồ sơ vẫn còn chậm.

Việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra, hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí.

[Gỡ nút thắt cho hành trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa] 

Theo chia sẻ của bà Phạm Thị Phương Hoa, Giám đốc một công ty chuyên về nông sản và thực phẩm sạch tại Hà Nội cho biết, công ty khởi nghiệp từ năm 2013, đến nay đã có chuỗi 40 cửa hàng về thực phẩm sạch trên toàn quốc.

Để thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Hoa đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng nhưng đi đâu bà cũng nhận được câu hỏi: "chị có tài sản gì để thế chấp?." Do không có tài sản thế chấp nên đến nay doanh nghiệp của bà Hoa vẫn chưa thể vay vốn ngân hàng.

Cùng quan điểm này, đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đó là tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó, thủ tục vay ngân hàng cũng "rườm rà" khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ ngại vay vốn nên đã tìm đến nguồn vay tín dụng đen. Ngành ngân hàng cần có các giải pháp để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, vị này nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng là do phần lớn các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể.

Sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp.

Đặc biệt, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo. Đây là những lý do chính ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khách hàng cá nhân, khách hàng tiểu thương và doanh nghiệp vừa và nhỏ,  vay vốn tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, Hà Nội đã ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được thương mại hóa sản phẩm.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045” được thành phố Hà Nội xây dựng trên cơ sở thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025."

Đề án hướng tới mục tiêu hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Hoàn thiện các cơ chế chính sách mang tính đột phá nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo bao gồm nhiều nội dung cụ thể và thiết thực với doanh nghiệp mới thành lập. Đó là hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp.

Thành phố hỗ trợ chi phí để thực hiện các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo kiến thức về khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; kinh phí để phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục