Bình Phước: Thiếu nước tưới, chỉ số hạn nông nghiệp ở mức “rất khắc nghiệt”

Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Phước, tình trạng nắng nóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục kéo dài, nhiệt độ từ 35-37 độ C, cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng được dự báo cấp 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thời tiết nắng nóng gay gắt, trong thời gian dài không có mưa, mực nước các hồ thủy lợi xuống thấp khiến 11/11 huyện, thị xã, thành phố của Bình Phước thiếu nước thiếu nước tưới cho cây trồng, chỉ số hạn nông nghiệp được cảnh báo ở mức “khắc nghiệt” đến “rất khắc nghiệt.”

Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Phước, tình trạng nắng nóng trên địa bàn tiếp tục kéo dài, nhiệt độ từ 35-37 độ C, cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng được dự báo cấp 1.

Do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng; nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.

Số liệu mưa của các trạm đo mưa trên địa bàn và số liệu mực nước các hồ chứa công trình thủy lợi cho thấy có 9/11 huyện, thị xã, thành phố có chỉ số hạn nông nghiệp ở mức độ 4 “hạn rất khắc nghiệt,” 2 huyện gồm Đồng Phú và Bù Đăng ở mức độ 3 “hạn khắc nghiệt.”

Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Phước, trong 10 ngày tới, hạn hán có khả năng xuất hiện cấp độ thiên tai, hạn nông nghiệp ở cấp độ cao.

Thời tiết tại các khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tháng 3/2024 có rất ít mưa trái mùa, tổng lượng mưa tháng thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân thực hiện tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất, tránh lãng phí nguồn nước; dự trữ nguồn nước ưu tiên sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm; vận động người dân chủ động kéo dài chu kỳ tưới, có biện pháp ủ gốc để giữ ẩm giảm thiểu sự bốc hơi nước nhằm giảm thiểu thiệt hại; các đơn vị quản lý hồ chứa xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể và sử dụng theo thứ tự ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Tại công văn chỉ đạo về việc chủ động triển khai biện pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước trên địa bàn vừa ban hành mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai biện pháp ứng phó.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi chặt diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát, xác định vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước để xây dựng phương án sử dụng nước đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.

Tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên hơn 6.873km2 (lớn nhất khu vực Nam Bộ), là địa bàn chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Do đó, vào mùa khô hàng năm thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới tiêu cho nông nghiệp và sinh hoạt.

Bình Phước cũng là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, với hơn 616.000ha; là “thủ phủ” của cây điều (152.000ha, chiếm 50% diện tích điều của cả nước), có 244.000ha diện tích trồng cao su (lớn nhất cả nước); cây hồ tiêu 15.000ha.

Hàng năm, tình trạng khô hạn và thiếu nước gây thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn./.

Tin cùng chuyên mục