Bình Phước tập trung 10 nhóm giải pháp duy trì đà tăng trưởng kinh tế

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 1/2023 của tỉnh đạt 7,6%, đứng thứ 17 so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty may mặc New Apparel, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Dù chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, giá nguyên phụ liệu đầu vào tăng, mặt bằng lãi suất ngân hàng cao… tuy nhiên, kinh tế Bình Phước vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2023.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 1/2023 của tỉnh đạt 7,6%, đứng thứ 17 so với các tỉnh, thành trong cả nước; trong đó, ngành nông lâm thủy sản tăng 9,4%; công nghiệp-xây dựng tăng 3,4%; dịch vụ tăng 10,3% và trợ cấp sản phẩm tăng 3,4%.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 Bình Phước được giao là 5.755 tỷ tỷ đồng, đến hết quý 1/2023 ước giải ngân được 919 tỷ đồng, đạt 12,4% so với chi tiêu trung ương giao và đạt 16% so với kế hoạch tỉnh giao.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh quý 1/2023 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, gành khai khoáng tăng 1,8%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,5%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,3% so với cùng kỳ.

[Bình Phước: Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng gần 24%]

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 42,5; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 32,2%; sản xuất trang phục giảm 24,9%.

Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi lớn, quy mô trang trại trong những năm gần đây, đặc biệt là chăn nuôi lợn, chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần được thu hẹp. Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn Bình Phước đạt 1,7 triệu con; đàn gia cầm là 10 triệu con.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh quý 1/2023 là 2.735 tỷ đồng, đạt 19% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 17% chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhằm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tập trung triển khai 10 giải pháp trọng tâm; trong đó tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch theo chương trình hành động của Tỉnh ủy; bám sát các bộ, ngành trung ương để hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4 năm 2023; hoàn thành việc quy hoạch các khu công nghiệp Đông Nam huyện Đồng Phú.

Bình Phước đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và việc chuẩn bị đầu tư đối với các công trình trọng điểm của tỉnh như cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước); cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành (đoạn qua Bình Phước dài 7km); đường Đồng Phú-Bình Dương.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ rà soát đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và đảm bảo đúng quy định pháp luật; tập trung tháo gỡ những vướng mắc về việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng dự án.

Tỉnh tập trung quyết liệt việc thu ngân sách; thực hiện hiệu quả các biện pháp tăng cường quản lý, chống thất thu ngân sách; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nhất là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước gói 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Bình Phước cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết kiến nghị và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả phòng, chống các loại dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục