Bình Phước - Tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên

Giới chuyên gia nhận định tỉnh Bình Phước đang có nhiều cơ hội rõ ràng hơn bao giờ hết để bứt phá và trở thành một đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.
Bình Phước - Tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiểm tra hoạt động Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh – IOC Bình Phước.(Ảnh: TTXVN)

Từng là một tỉnh kém phát triển hơn so với những địa phương khác trên cả nước, song sau hơn 20 năm phát triển, tỉnh Bình Phước đã có những sự "lột xác" về mọi mặt.

Một nhóm chuyên gia của Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá, Bình Phước hiện đang có nhiều cơ hội rõ rệt hơn bao giờ hết. Nếu biết tận dụng tốt thì Bình Phước hoàn toàn có thể chuyển từ vị trí "dự trữ phát triển" thành một "động lực phát triển" của vùng Đông Nam Bộ nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Từ vị trí xuất phát thấp

Năm 1997, tỉnh Sông Bé chia tách địa giới hành chính thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Khi mới tách lập, Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước; đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, GDP bình quân đầu người chỉ đạt gần 180 USD; cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, cán bộ các ngành ở tỉnh thiếu trầm trọng.

Kinh tế chủ yếu của tỉnh Bình phước là nông-lâm nghiệp (chiếm hơn 70%), trong khi hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm phần rất nhỏ; cơ sở hạ tầng thấp kém, chưa đồng bộ. Tỷ lệ di dân tự do ngày càng cao, đồng bào dân tộc ít người chiếm khoảng 20% với trình độ dân trí còn thấp.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, sau hơn hai thập kỷ xây dựng và phát triển, tỉnh đã có những bước tiến đáng kể. Tỷ lệ dân số so với cả nước đã tăng từ 0,9% lên 1.03%.

GDP bình quân đầu người thời điểm mới tách tỉnh chỉ bằng 52% bình quân của cả nước, nay đã tương đương với bình quân trên toàn quốc, trong khi tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 chỉ còn 2,56% (bình quân cả nước khoảng 4%).

Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, tốc độ tăng trưởng về dân số, khả năng tạo việc làm, nguồn thu ngân sách và GDP của Bình Phước đều tăng khá cao.

Theo nhận định của nhóm các chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Hoàng Văn Thắng, Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, từ năm 1997 đến nay, Bình Phước chưa có nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế do quy mô và các hoạt động kinh tế trong vùng thiếu độ lan tỏa cần thiết.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân làm cho các kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng là do Bình Phước đang gặp phải những vấn đề mà hầu hết các địa phương của Việt Nam đang phải đối mặt liên quan đến cấu trúc về bộ máy vận hành và cơ chế chung.

Trong đó, tỉnh Bình Phước chưa xác định được đúng hướng đi riêng để tận dụng tiềm năng và lợi thế, giảm thiểu những khó khăn và hạn chế, hóa giải những thách thức.

Chuyển từ “dự trữ” đến “động lực phát triển”

Đề cập việc tạo lập tính bền vững nguồn thu ngân sách của Bình Phước trong những năm gần đây, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đánh giá: “Điều tích cực là trong những năm gần đây, đó là khả năng thu ngân sách của Bình Phước đã tăng đáng kể. Dự kiến thu ngân sách năm 2020 sẽ chạm ngưỡng 10.000 tỷ đồng, tăng 21%/năm, gấp đôi giai đoạn 2010-2015. Đây là một nỗ lực rất lớn của tỉnh."

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cũng chia sẻ, so với nhiệm kỳ trước, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô nền kinh tế tăng trường 1,64 lần, GDP bình quân đầu người tăng đáng kể, đạt 67,3 triệu đồng (khoảng 3.000 USD), tăng gấp 1,54 lần.

So với giai đoạn 2011-2015, hiện nay tỉnh đã thu hút được 800 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 50.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần về số dự án, hơn 3 lần về số vốn đăng ký, cùng với đó là 146 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký 1,44 tỷ USD, tăng hơn 2 lần về số dự án, gần 3 lần về số vốn đăng ký.

Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Phước vào tháng 7/2020 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Bình Phước là tỉnh đóng vai trò cầu nối, cửa ngõ lên Tây Nguyên.

Do đó, Bình Phước cần thúc đẩy liên kết vùng để có sự hợp tác hiệu quả hơn nữa với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời cần phối hợp chặt chẽ để cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc và cùng nhau phát triển dựa trên lợi thế của mỗi địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần phát huy lợi thế địa lý khi sở hữu cửa khẩu kết nối với Campuchia, vị trí cầu nối giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, những điều kiện rất thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ, logistics.

Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tiến sỹ Trần Du lịch cho rằng việc kết nối liên vùng là vấn đề quan trọng để tạo động lực cho Bình Phước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tiến sỹ Trần Du Lịch nhận định: "Phải chăng sức hút của các địa phương lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trong điều kiện hạ tầng giao thông kết nối vùng yếu kém đã làm cho Bình Phước mất lợi thế cạnh tranh và khả năng thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Chính yếu tố khách quan này lại vượt quá khả năng của địa phương”.

Ông Trần Du Lịch cho rằng, Bình Phước rất cần những nhân tố khách quan và chủ quan để tạo nên sự hấp dẫn trong giai đoạn 10 năm tới.

Chuyên gia này chia sẻ: "Những nỗ lực tự thân của Bình Phước là cần thiết, nhưng nếu không cải tiến hệ thống giao thông kết nối vùng theo quy hoạch thì Bình Phước, dù cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 100km, vẫn sẽ bị coi là 'vùng sâu, vùng xa'. Do đó, định hướng chiến lược của Bình Phước cần đặt trong mối quan hệ kinh tế vùng, bao gồm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả Tây Nguyên."

Bình Phước - Tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên ảnh 2Khai trương hệ thống dịch vụ công trên môi trường điện tử tỉnh Bình Phước(Ảnh: TTXVN)

Cũng theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2020-2025 của Bình Phước phải thể hiện được khát vọng phát triển. Trước hết là về cải cách thể chế, thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có hệ thống phát triển theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tỉnh cần phát huy lợi thế, phát triển các khu đô thị và hình thành kinh tế đô thị.

Khát vọng vươn lên

Tại “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Phước và định hướng chiến lược năm 2030 tầm nhìn 2050, kế hoạch và chương trình hành động giai đoạn 2020-2025”, nhóm các chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Hoàng Văn Thắng, Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng Bình Phước đang và sẽ có những cơ hội xen lẫn thách thức trong hiện tại và tương lai.

Nhóm chuyên gia nhận xét: "Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu đã bắt đầu xuất hiện. Nguy cơ trên càng hiển hiện khi dịch bùng phát.

Với vị trí thuận lợi và việc tạo dựng được những uy tín trong phòng chống dịch, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong xu hướng dịch chuyển này. Do vậy, đây đang là một cơ hội đối với Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng."

Theo nhóm chuyên gia, ở thời điểm hiện tại khi các hoạt động kinh tế vùng Thành phố Hồ Chí Minh đang được lan tỏa và mở rộng, cơ hội bắt đầu lan đến các địa phương có kết nối xa hơn.

Đối với Bình Phước, nơi cửa ngõ kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên bắt đầu có những điều kiện phát triển, các cơ hội đã trở nên ngày càng rõ rệt.

Ngoài ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang gây ra nhiều tác động rõ rệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn trong các thập niên tiếp theo.

Trong khi đó, Bình Phước ở vị trí ít bị tác động nên sẽ có nhiều điều kiện, cơ hội trở thành trung tâm hay động lực phát triển của cả vùng trong một vài thập niên tới.

Các chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright Việt Nam nhận định: “Khát vọng của tỉnh Bình Phước đã rất rõ ràng. Đội ngũ cán bộ công chức đã tăng về chất lượng và tư tưởng, cho dù những khó khăn vẫn còn. Một sự tự ái để có khả năng vượt qua chính mình và không thua kém các địa phương có điều kiện đã đi trước là cần thiết.

“Nói một cách khác, Bình Phước đang có các yếu tố về thiên thời, địa lợi và nhân hòa để làm nền tảng cho sự phát triển trong một vài thập niên tới. Đây là cơ hội tốt mà Bình Phước cần nắm bắt." 

Nhóm chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright khuyến nghị, để thực hiện được “khát vọng” vươn lên của Bình Phước thì vai trò của người đứng đầu và tinh thần doanh nhân công cộng là hết sức quan trọng. Trong đó, đội ngũ lãnh đạo của địa phương phải trở thành chỗ dựa tin cậy và là cứu cánh cuối cùng cho những người dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân."

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi từng đánh giá, việc xây dựng tầm nhìn chiến lược là cơ hội để tỉnh đánh giá, nhận diện tổng thể các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, thời cơ và thách thức.

Điều này sẽ giúp tỉnh hoạch định chiến lược, xây dựng giải pháp khả thi, chính sách phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, định hướng phát triển giai đoạn trung hạn 5 năm và tầm nhìn dài hơi, từ nay đến 2030 và thậm chí là 2050.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định: “Tỉnh sẽ trở thành một nơi hội tụ và thu hút các nguồn lực cho phát triển. Việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Phước được đặt trong bối cảnh phát triển của đất nước và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Tỉnh cần hướng đến phát triển bền vững bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với các chính sách an sinh xã hội theo nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau; chuyển từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực tăng trưởng” và phát triển cho cả vùng bằng công nghiệp hóa và đô thị hóa."

Bình Phước - Tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên ảnh 3Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước sau khi dự phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước hồi tháng 7/2020(Ảnh: TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục