Bình Phước kêu gọi doanh nghiệp Singapore đầu tư vào dự án ưu tiên

Bình Phước kêu gọi doanh nghiệp Singapore đầu tư vào 63 dự án ưu tiên thuộc các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nông nghiệp, chế biến thức ăn; du lthương mại.
Bình Phước kêu gọi doanh nghiệp Singapore đầu tư vào dự án ưu tiên ảnh 1Đại diện tỉnh Bình Phước ký kết Biên bản Ghi nhớ với Hiệp Hội Thương mại Việt Nam tại Singapore. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 11/5, tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội nghị xúc tiến tại Singapore kêu gọi đầu tư vào 63 dự án ưu tiên thuộc các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nông nghiệp và chế biến thức ăn; thương mại, dịch vụ và công nghiệp du lịch; hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải; năng lượng...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Văn Trăm, cho biết thế mạnh của địa phương chính là quỹ đất sạch rộng lớn và đang trong quá trình "trải thảm" mời gọi nhà đầu tư trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh đi trước.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Phước là cửa ngõ kết nối với Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia; rất thuận lợi để phát triển công nghiệp và nguồn nguyên liệu dồi dào từ các sản phẩm cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, hồ tiêu và các sản phẩm khác từ trồng trọt, chăn nuôi.

Đặc biệt, trong khi mặt bằng giá thuê đất tại các khu công nghiệp ở những địa phương lân cận như Bình Dương hay Thành phố Hồ Chí Minh khá cao, từ 100-150 USD/m2 (cho thời hạn 50 năm) thì tại Bình Phước, giá cho thuê đất chỉ dao động trong khoảng từ 20-30 USD/m2 (50 năm).

Mặt khác, tỉnh Bình Phước cũng có cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ khá phát triển cùng với chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn là điều kiện để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Trăm nhấn mạnh rằng tuy là một tỉnh phát triển sau, nhưng nhờ đi tắt đón đầu nên Bình Phước đã học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác trong việc thực hiện cam kết với các nhà đầu tư.

Tỉnh đảm bảo các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư được thực hiện hiện một cách nhanh chóng không chỉ riêng các nhà đầu tư Singapore mà còn với tất cả các doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới khi họ chọn Bình Phước là điểm đến để làm ăn, kinh doanh.

[110 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tìm cơ hội ở Singapore]

Tính đến cuối năm 2016, Bình Phước đã thu hút được 157 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn lên tới 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thì nhà đầu tư Singapore mới hiện diện ở 3 dự án với quy mô vốn còn thấp (8,1 triệu USD). Do đó, tỉnh Bình Phước mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch và chế biến thức ăn gia súc.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Singapore mỗi năm có nhu cầu nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD cao su và gần 80 triệu USD hạt điều và đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp hai bên có thể xúc tiến nhằm tiến tới hợp tác kinh doanh.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và đại diện các cơ quan chức năng đã cung cấp những thông tin về môi trường đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư và các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng như trao đổi, cung cấp thêm những thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của các doanh nghiệp Singapore muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương.

Ông Benson Lim, Giám đốc điều hành Công ty R1 (Singapore) - một doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cao su tại Bình Phước, cho biết điểm mạnh của địa phương này chính là cơ sở hạ tầng tốt với hệ thống đường cao tốc kết nối thẳng tới Thành phố Hồ Chí Minh, rất thuận lợi đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, tỉnh còn có các đơn vị chuyên hỗ trợ và giải quyết những khó khăn cho nhà đầu tư một cách nhanh gọn và thông thoáng. Chính vì vậy, Công ty R1 đang có kế hoạch tìm kiếm một địa điểm thích hợp tại tỉnh Bình Phước để có thể mở rộng nhà máy với quy mô gấp 3 lần hiện nay.

Theo khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), ASEAN là khu vực đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp nước này, trong đó Việt Nam là thị trường hấp dẫn thứ ba.

Liên tục từ đầu năm đến nay, SBF đã phối hợp với Sứ quán Việt Nam tại Singapore, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các địa phương tổ chức những hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp hai nước cũng như các đoàn khảo sát thực tế để biến những tiềm năng thành cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục