Bình ổn giá xăng dầu: Nên để người dân tiếp cận dần tư duy thị trường

Sau 2 năm thực hiện Nghị định 83/CP, ông Phan Thế Ruệ cho rằng, hoạt động kinh doanh xăng dầu cơ bản đã vận hành theo cơ chế thị trường; doanh nghiệp phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh...
Bình ổn giá xăng dầu: Nên để người dân tiếp cận dần tư duy thị trường ảnh 1Nhân viên Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 3/9/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2014.

Đánh giá 2 năm thực hiện, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, hoạt động kinh doanh xăng dầu cơ bản đã vận hành theo cơ chế thị trường; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngày càng phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh...

Để hiểu rõ hơn bức tranh của ngành xăng dầu trong năm 2017 và những tác động của thị trường thế giới đến giá trong nước. Ông Phan Thế Ruệ đã chia sẻ với VietnamPlus về những nội dung trên.

- PV: Ông có thể đánh giá thế nào về tình hình xăng dầu năm 2016?

Chuyên gia Phan Thế Ruệ: Điểm nổi bật nhất của giá xăng dầu bán lẻ trong nước năm 2016 là khá ổn định, nguồn cung cũng được đảm bảo phục vụ sản xuất, tiêu dùng và dự trữ lưu thông theo quy định của Chính phủ.

Đáng chú ý, sau một thời gian triển khai Nghị định 83/CP, thị trường xăng dầu đã phát huy được một số điểm tích cực như tính minh bạch, rõ ràng trong việc điều hành giá, cụ thể là giá khi lên, xuống không bất ngờ đối với người tiêu dùng và không tạo ra bức xúc trong xã hội và đây là một điểm nhấn của Nghị định này.

Việc dùng Quỹ bình ổn (BOG), khi nào trích và khi nào xả thì trong Nghị định 83/CP đã quy định rõ, từ 0-3% không cần dùng Quỹ này, còn từ 3-7% mới sử dụng và trên 7% thì Chính phủ can thiệp để ổn định giá xăng dầu, trên thực tế năm 2016 không xảy ra tình trạng giá tăng từ 4% đến trên 7% mà chỉ quanh mức 0-3%.

Mặc dù vậy, về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng khi giá cơ sở điều chỉnh tăng từ 0-3% thì không nên áp dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để người tiêu dùng tiếp cận dần tư duy thị trường.

Bên cạnh đó, trong quy định của Nghị định 83/CP có quy định giá cơ sở bao gồm 11 yếu tố cấu thành, trong đó có cả giá nhập khẩu, vì vậy khi 2 bộ Công Thương-Tài chính ra giá cơ sở và căn cứ vào đó để điều hành giá bán lẻ thì vô tình nhà nước đã định giá và doanh nghiệp không có quyền định giá.

Còn về xăng sinh học E5, rất nhiều doanh nghiệp đã đề nghị cho phép điều hành giá mặt hàng này thấp hơn xăng RON 92 thế nhưng câu chuyện điều hành mặt hàng này còn lúng túng, rất lâu mới có cơ chế về giá cơ sở của mặt hàng xăng E5.

- Vậy những yếu tố nào sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước năm 2017?

Chuyên gia Phan Thế Ruệ: Kinh tế thế giới năm 2017 chắc còn có nhiều biến động, cụ thể là việc Anh rời EU, chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donal Trump cũng thay đổi so với người tiền nhiệm và gần như giá dầu thế giới phụ thuộc vào đồng USD.

Chưa hết, vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất, điều này kéo theo một loạt việc thay đổi tỷ giá của các nước, cùng với những biến động tại Sirya, chưa kể nguồn cung dầu từ đá phiến có thể tăng lên... ... sẽ có những tác động đến giá dầu thế giới.

Tuy vậy, tôi cũng đồng tình ý kiến của các chuyên gia khác khi nhận định giá dầu thô thế giới năm 2017 sẽ không tăng đột biến, chỉ quanh quẩn trên dưới 60 USD/thùng và trong giai đoạn đầu năm có thể nhích lên nhưng khi ổn định giữa cung và cầu thì giá sẽ ổn định.

Bình ổn giá xăng dầu: Nên để người dân tiếp cận dần tư duy thị trường ảnh 2Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

- Ông đã nói đến những bất cập của Nghị định 83/CP sau một thời gian triển khai?

Chuyên gia Phan Thế Ruệ: Đúng vậy, trong phiên thảo luận mới đây của Chính phủ họp với các bộ ngành liên quan tới chính sách điều hành giá xăng dầu, các ý kiến từ phía Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng đồng nhất phải xem xét sửa lại Nghị định 83/CP.

Thực tế, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam năm 2017 phụ thuộc hoàn toàn vào Nghị định 83/CP, nếu không sửa đổi sẽ có nhiều vướng mắc.

Hiện Chính phủ chưa có kết luận chính thức, nhưng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì cần phải sửa Nghị định 83/CP, trong đó xem lại quy định về 30 ngày dự trữ bắt buộc... rõ ràng nếu giá dầu mà mua vào cao, cộng với lãi suất ngân hàng thì các doanh nghiệp chắc chắn không chịu nổi.

Thêm vào đó, giá dầu thế giới biến động liên tục, nếu để 15 ngày mới điều chỉnh như hiện nay thì cũng nảy sinh bất cập, bởi có thể không đồng nhất với giá thế giới.

​Về Quỹ bình ổn (BOG), theo tôi quỹ này chỉ phù hợp với doanh nghiệp có nguồn nhập khẩu lớn, lượng bán ra nhiều, còn những doanh nghiệp bán ít chắc chắn quỹ sẽ bị âm, thậm chí phải dùng vốn vay ngân hàng để xả vào giá bán lẻ. Đây là ​những vướng mắc khi thực hiện Nghị định 83/CP về điều hành giá xăng dầu.

Cũng có chuyên gia đề nghị bỏ giá cơ sở, vì đây chỉ là giá định hướng cho các doanh nghiệp tính giá bán lẻ, khi đó doanh nghiệp có quyền và không phụ thuộc vào giá định trước của các bộ ngành.

- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn./.

Chuyên gia Phan Thế Ruệ nói về cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục