Ngày 12/11, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc triển khai thực hiện đúng theo nội dung Thông tư số 16 của Bộ Y tế về việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu về quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế: Xét nghiệm SARS-CoV-2 nhanh giá dịch vụ mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm. Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mức thanh toán tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm.
Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, trường hợp mẫu đơn có mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm.
Các cơ sở y tế trong và ngoài công lập đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm COVID-19 phải kê khai giá, niêm yết giá theo đúng quy định, gửi bảng giá thu phí xét nghiệm nhanh và xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR của đơn vị về Sở Y tế để đăng công khai trên Website Sở Y tế Bình Dương theo quy định, hạn chót trước ngày 30/11.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ.
Tối 12/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương thông tin vừa đánh giá lại cấp độ dịch của xã/phường. Kết quả, không có xã/phường cấp độ 4; có 24 xã/phường cấp độ 1; có 44 xã/phường cấp độ 2 và 23 xã/phường cấp độ 3. Đáng quan ngại, thành phố Thủ Dầu Một được đánh giá từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 (vùng cam) tại hầu hết các phường.
Dịch còn diễn biến phức tạp
Trong 24 giờ qua, tỉnh Bình Dương tiếp tục ghi nhận 654 ca mắc COVID-19 qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ. Cùng ngày, các cơ sở y tế thu dung điều trị 775 bệnh nhân; 5 bệnh nhân tử vong.
Như vậy, tính từ đợt dịch thứ tư đến nay, Bình Dương ghi nhận 242.243 ca mắc COVID-19 (qua xét nghiệm RT-PCR); trong đó có 2.534 ca tử vong.
Ngày 12/11, Sở Y tế Bình Dương đã có hướng dẫn tạm thời quy trình phát hiện và xử lý người mắc COVID-19 (F0) tại cộng đồng trong trạng thái “bình thường mới.”
Các trường hợp có kết quả dương tính khi xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên đều được xem là F0 và đưa vào diện cần chăm sóc, quản lý. Trường hợp người dân tự làm xét nghiệm, nếu không đủ chứng cứ để xác định F0 sẽ thực hiện lại xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
[Số ca mắc mới COVID-19 tại tỉnh Bình Dương tăng cao trở lại]
Tỉnh Bình Dương xem nơi ở của F0 là “ổ dịch hộ gia đình,” các thành viên sống cùng nhà với F0 đều xem là đối tượng nghi nhiễm và cách ly hộ gia đình 14 ngày.
Trường hợp F0 có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, đo Sp02 dưới 96% cần gọi trạm y tế lưu động đến cấp cứu và chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị. Trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, trạm y tế, trạm y tế lưu động cho F0 theo dõi, cách ly điều trị tại nhà và cấp túi thuốc.
Song song đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương có hướng dẫn tạm thời phương án xử lý khi có F0 trong trạng thái “bình thường mới” để đảm bảo hoạt động kinh doanh, sản xuất cho doanh nghiệp và khu, cụm công nghiệp không bị gián đoạn sản xuất.
Điều kiện để doanh nghiệp có ca mắc, nghi mắc COVID-19 được tiếp tục hoạt động kinh doanh, sản xuất là có sự đồng thuận bằng văn bản giữa người lao động và doanh nghiệp có sự chứng kiến của tổ công đoàn tại doanh nghiệp.
Đồng thời, doanh nghiệp thiết lập phòng y tế, khu vực cách ly y tế tại nhà máy có ít nhất 1 bác sỹ, y sỹ đã được tập huấn điều trị bệnh nhân COVID-19, bình oxy, máy Spo2 và các cơ số thuốc để điều trị, sơ cấp cứu cho người mắc, nghi mắc COVID-19 theo quy định.
Chủ doanh nghiệp cần ký liên kết với bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế lưu động trên địa bàn đảm bảo có cán bộ trực 24/7 và có xe cấp cứu để vận chuyển các trường hợp mắc COVID-19 trở nặng kịp thời đến cơ sở y tế đủ điều kiện điều trị không để xảy ra trường hợp tử vong./.