Bình Dương xây nhà máy xử lý nước thải cho hơn 400.000 dân

Tỉnh Bình Dương đã động thổ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 17.000m3 nước thải/ngày đêm cho hơn 400.000 người dân tại thị xã Thuận An.
Bình Dương xây nhà máy xử lý nước thải cho hơn 400.000 dân ảnh 1Khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại thị xã Thuận An. (Ảnh: Chí Tưởng/Vietnam+)

Sáng 6/3, tỉnh Bình Dương đã động thổ xây dựng Nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho hơn 400.000 người dân tại thị xã Thuận An.

Đây là nhà máy thứ hai, có công suất xử lý 17.000m3 nước thải/ngày đêm, với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, nằm trong chuỗi Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương.

Đến giai đoạn 2, nhà máy sẽ đạt công suất xử lý 54.000m3 nước thải/ngày đêm (dự án chia thành 3 giai đoạn) với tổng mức đầu tư theo kế hoạch lên đến 6.800 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư gồm 85% vốn ODA của Nhật Bản và 15% vốn đối ứng do Công ty Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của giai đoạn 1 này sẽ tiến hành xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và triển khai xây dựng hệ thống đường ống thu gom nước thải có chiều dài gần 200km với nhiệm vụ thu gom nước nước thải sinh hoạt cho hơn 400.000 người dân, tập trung nhất là các khu dân cư nằm trong vùng ô nhiễm khu vực Kênh Ba Bò.

Công trình còn đáp ứng thu gom nước thải cho Kênh Ba Bò và xử lý ô nhiễm nguồn nước các tuyến kênh trên địa bàn thị xã Thuận An…

Trước đó, tỉnh Bình Dương đã đưa Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đầu tiên đi vào vận hành tại địa bàn thành phố Thủ Dầu Một. Dự án này đạt công suất xử lý 17.650m3 nước thải/ngày đêm.

Sau khi đưa vào hoạt động hồi tháng 5/2013, đến nay đã nhà máy đã thu gom nước thải của hàng chục nghìn hộ dân với công suất đạt được hơn 6.000m3 nước thải/ngày đêm.

Bình Dương xây nhà máy xử lý nước thải cho hơn 400.000 dân ảnh 2Sơ đồ nhà máy xử lý nước sau khi hoàn thành xây dựng. (Ảnh: Chí Tưởng/Vietnam+)

Theo đánh giá của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA (đơn vị tài trợ vốn ODA), nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tại thành phố Thủ Dầu Một đã thành công vượt kế hoạch dự kiến hơn 2 năm.

Đến nay, nhà máy đã đấu nối thu gom nước thải sinh hoạt cho hàng nghìn hộ gia đình, cải thiện rõ rệt môi trường sống cho người dân Thủ Dầu Một.

Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, với lợi ích mà dự án mang lại, việc đầu tư dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương là rất cần thiết và đạt lợi ích lâu dài hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm.

Do đó, đòi hỏi công trình thực hiện cải thiện môi trường nước phải đầu tư nhanh chóng, mang lại cuộc sống ngày càng văn minh ở một đô thị hiện đại như Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục