Bình Dương với tham vọng thu nhập bình quân 15.800 USD vào 2030

Bình Dương xác định rõ 37 nhiệm vụ trọng yếu, trong đó, mục tiêu chính là đưa Bình Dương thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mức thu nhập bình quân đầu người đạt 15.800 USD/năm vào năm 2030.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Tỉnh Bình Dương vừa công bố Quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu hướng tới phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Sau buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch và định hướng phát triển tỉnh thời gian tới.

- Ông có thể chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm để Bình Dương đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 15.800 USD/năm vào năm 2030?

Ông Mai Hùng Dũng: Sau khi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương đã nhanh chóng xác định rõ 37 nhiệm vụ trọng yếu để triển khai quy hoạch phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Trong đó, mục tiêu chính là đưa Bình Dương thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mức thu nhập bình quân đầu người đạt 15.800 USD/năm vào năm 2030, đây là mục tiêu được người dân đặc biệt quan tâm.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung vào ba hướng chính theo chỉ đạo của Thủ tướng gồm: Phát triển hạ tầng kết nối vùng, chuyển đổi nền kinh tế xanh và phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị thông minh.

Tỉnh sẽ đầu tư mạnh vào hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ giữa Bình Dương với các khu vực trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ.

Bình Dương sẵn sàng tâm thế khởi động giai đoạn phát triển mới với nhiều định hướng mới, đầy khát vọng cho một địa phương giàu có, văn minh, nghĩa tình, là mảnh ghép gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương còn lại, cũng như lan tỏa sự phát triển không chỉ cho riêng Bình Dương.

Địa giới hành chính lâu nay được phân định bởi những cây cầu hay những con sông nay hầu như đã bị xóa nhòa, hay tư tuy cục bộ, địa phương như "cục máu đông" làm tắc nghẽn các tiềm năng tăng trưởng của vùng và cả nước thì nay đã được thay bằng tinh thần liên kết, kết nối, lấy lợi ích chung của đất nước là một trong những kim chỉ nam trong quy hoạch lần này.

Bên cạnh đó, điểm mới trong quy hoạch là Bình Dương định hướng phát triển các khu công nghiệp thông minh và xanh, theo mô hình sản xuất bền vững. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong công tác quản lý đô thị và sản xuất sẽ được tỉnh ưu tiên, nhằm tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu tác động môi trường.

- Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò tiên phong của Bình Dương trong phát triển hạ tầng kết nối vùng. Ông có thể nói rõ hơn về những dự án hạ tầng trọng điểm mà tỉnh đang triển khai?

Ông Mai Hùng Dũng: Đúng như Thủ tướng đã chỉ đạo, Bình Dương cần đóng vai trò tiên phong trong phát triển hạ tầng kết nối vùng. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Hiện tại, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược như Vành đai 3, Vành đai 4, hệ thống cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Dự án Vành đai 3 đang đẩy mạnh triển khai với tổng mức đầu tư lên tới hơn 75.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Dương vốn đầu tư hơn 19.200 tỷ đồng. Hiện, dự án Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương được triển khai theo kế hoạch và sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Đây là dự án mang tính chất liên vùng, giúp Bình Dương kết nối tốt hơn với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự án Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ là một cú hích lớn cho sự phát triển kinh tế của Bình Dương và toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics và vận chuyển hàng hóa. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ giảm tải áp lực giao thông và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

ttxvn_chuyen_doi_xanh_vuc_day_nganh_go_ty_do_tai_thu_phu_binh_duong_resize.jpg
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

- Xin ông chia sẻ thêm về những chiến lược cụ thể Bình Dương hướng đến để phát triển nền kinh tế xanh và chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững.

Ông Mai Hùng Dũng: Bình Dương đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững. Một trong những chiến lược quan trọng của chúng tôi là khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất thông minh và tự động hóa. Đây là giải pháp then chốt giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế cao và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Tỉnh cũng đang chuyển đổi nâng cấp các khu công nghiệp theo mô hình thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải. Đồng thời, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo điều kiện để họ áp dụng công nghệ xanh và năng lượng tái tạo vào quá trình sản xuất.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng không chỉ giúp Bình Dương bứt phá về mặt kinh tế mà còn tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn. Tỉnh xác định việc hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để ứng dụng các giải pháp tiên tiến trong quản lý và sản xuất là yếu tố cốt lõi, giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thu hút đầu tư lâu dài.

- Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý là một trong những yếu tố quan trọng, giúp Bình Dương phát triển bền vững. Ông có thể cho biết về kế hoạch này?

Ông Mai Hùng Dũng: Chuyển đổi số và khoa học - công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển của Bình Dương, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ. Tỉnh đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý.

Hiện tại, Bình Dương đang hợp tác với các đối tác, trong đó có đơn vị chủ lực Becamex để xây dựng hệ sinh thái đô thị thông minh. Chúng tôi đã triển khai Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), nơi thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục và dịch vụ công. Điều này giúp tỉnh cải thiện hiệu quả quản lý, đưa ra quyết định chính xác hơn và kịp thời phản ứng với các vấn đề xã hội phát sinh; cùng với đó đẩy mạnh hoàn thiện Đề án 06 để tiến tới chuyển đổi số trong cả hệ thống quản lý của tỉnh.

Trong lĩnh vực sản xuất, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất thông minh (smart manufacturing) và tự động hóa, từ đó giảm thiểu chi phí, tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng đang được hỗ trợ để nâng cấp hệ thống quản lý, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào quản lý vận hành.

- Tỉnh đã xác định 37 nhiệm vụ trọng yếu để phát triển đến năm 2030, lấy nhân dân làm trung tâm, ông có thể nói rõ hơn về cách thức thực hiện?

Ông Mai Hùng Dũng: Quy hoạch phát triển của Bình Dương được xây dựng trên nền tảng bảo đảm người dân không chỉ là người thụ hưởng mà còn là người tham gia, đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh. Triết lý “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển” là kim chỉ nam cho các chính sách kinh tế - xã hội của chúng tôi.

Điều này thể hiện qua việc người dân được tạo điều kiện tham gia vào các dự án phát triển kinh tế, tận dụng các cơ hội từ những chính sách chuyển đổi kinh tế. Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đồng thời, tỉnh đã xây dựng hệ thống chính quyền điện tử, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công và lắng nghe ý kiến từ cộng đồng. Qua đó, Bình Dương sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho người dân trong việc xây dựng cuộc sống chất lượng hơn.

- Xin cảm những chia sẻ cụ thể và chân thành của ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục