Bình Dương ưu tiên các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ

Năm 2022, Bình Dương lên kế hoạch bố trí 8.579 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện 113 dự án về đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Mai Bá Trước, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án quan trọng; trong đó ưu tiên các tuyến đường giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ.

Cụ thể, rà soát nguồn vốn tập trung cho các dự án giao thông quan trọng của tỉnh như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành và đường Mỹ Phước-Tân Vạn... ngay sau khi các dự án đảm bảo thủ tục đầu tư và đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.

Việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 phải phục vụ cho thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án giao thông kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở đó, mới đây Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương kiến nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất tỷ lệ dự phòng chung cao hơn mức trung bình chung của cả nước để đảm bảo thực hiện mục tiêu đầu tư các dự án giao thông quan trọng của tỉnh.

[Long An: Sớm giải phóng mặt bằng cho dự án giao thông trọng điểm]

Tỉnh dự kiến bố trí trên 49.562 tỷ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương và trên 2.621 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025).

Riêng năm 2022, Bình Dương lên kế hoạch bố trí 8.579 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện 113 dự án về đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; trong đó chú trọng các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.

Nằm trong kế hoạch phát triển giao thông kết nối vùng, trung tuần tháng 11 sau khi trở về trạng thái "bình thường mới" mở cửa phục hồi kinh tế-xã hội, tỉnh Bình Dương đã khởi động công trình đường kết vùng giữa hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Đây là tuyến đường tạo lực đi qua 4 huyện gồm Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàng Bàng đến huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Tổng chiều dài tuyến đường là 12,15km. Đường được thiết kế 6 làn xe với vận tốc 80km/h, chiều rộng mặt đường 23,5m, dải phân cách giữa 3m, vỉa hè mỗi bên 7m, tổng chiều rộng nền đường 40,5m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng.

Công trình bao gồm cây xanh tạo cảnh quan, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thoát nước và hai cây cầu bêtông cốt thép có tuổi thọ thiết kế 100 năm. Tổng mức đầu tư của công trình trên 965 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, việc đầu tư sớm dự án trọng điểm trong thời điểm mới trở lại "bình thường mới" sau dịch COVID-19 được kiểm soát có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hình thành trục giao thông huyết mạch, mang tính liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo quốc phòng-an ninh các huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương nói riêng và mở thêm cửa ngõ thông thương giữa hai tỉnh Bình Dương với Bình Phước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục