Dầu Tiếng là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp nguồn nước nông nghiệp cho miền Đông Nam Bộ, nước sinh hoạt cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.
Tuy nhiên, việc nhiều hộ dân tới lập làng bè, nuôi cá, sinh sống trên lòng hồ Dầu Tiếng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước nơi đây.
Cuộc sống bấp bênh
Ven hồ Dầu Tiếng tại ấp Hòa Lộc (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) hiện có gần hộ 70 dân là kiều bào ở Campuchia hồi hương sau nhiều năm lưu lạc sinh sống tại đây.
Các hộ dân này chủ yếu tập trung sống ở ven hồ, tự dựng chòi, nhà sàn, dựng nhà bằng cột bêtông, nhà tạm trong vùng bán ngập, thuộc phạm vi bảo vệ công trình vùng lòng hồ Dầu Tiếng để mưu sinh.
Anh Nguyễn Văn Đỏ, ở làng bè, xã Minh Hòa, cho biết: Hầu hết các hộ dân trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long, thời chiến tranh họ ly tán sang Campuchia. Năm 1990, họ về nước rồi dựng những căn nhà nhỏ lênh đênh trên mặt hồ, mưu sinh bằng việc đánh bắt cá trong hồ.
[Bình Dương: Cá lồng bè trên hồ Dầu Tiếng bất ngờ chết hàng loạt]
Anh Đỏ có quốc tịch Việt Nam nên đã mua được đất, dựng nhà. Nhiều người ở đây mới chỉ đăng ký lưu trú, chưa được nhập quốc tịch do họ không có giấy tờ tùy thân và tài sản nhà đất.
Ông Nguyễn Văn Cường ở làng bè, xã Minh Hòa, cũng cho biết hằng ngày, ông đánh bắt cá để mưu sinh. Trong hoàn cảnh không giấy tờ tùy thân và thiếu trình độ nên ông không thể tìm một công việc tốt.
Năm 2018, theo chương trình của Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bình Dương, thầy Nguyễn Văn Thiết, giáo viên Trường Tiểu học Hòa Lộc đã đứng ra dạy học cho 17 học sinh ở làng bè, xã Minh Hòa...
Nan giải đưa người dân ra khỏi lòng hồ
Người dân nơi đây đều cho rằng việc sinh sống và nuôi cá sẽ không ảnh hưởng đến môi trường.
Thực tế cho thấy thức ăn thừa, chất thải, xác cá chết và rác thải sinh hoạt của các hộ dân tại đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ.
Một số hộ dân dùng lưới bắt các loại cá nhỏ làm nguồn thức ăn cho cá nuôi dẫn đến nguy cơ hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Tình hình trên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự và chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.
Để tránh ô nhiễm môi trường và hạn chế tệ nạn xã hội, đầu năm 2004 chính quyền địa phương đã vận động các hộ ở làng bè lên bờ.
Có khoảng 25 gia đình đã lên khu vùng đất bán ngập của lòng hồ, tự xây nhà. Tuy nhiên, diện tích đất có hạn nên địa phương không thể giải quyết chỗ ở cho tất cả các hộ, hàng chục hộ dân vẫn đang sinh sống dưới bè.
Ông Lê Bá Thành, Phó trưởng Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết Lực lượng Công an huyện đã quản lý và điều tra số người sinh sống trên làng bè tại xã Minh Hòa. Hiện nay, trên làng bè còn 56 hộ với 292 nhân khẩu. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ làm giấy tờ tùy thân cho 14 hộ. Việc giải quyết những vấn đề an sinh xã hội phải chờ sự phối hợp từ các ban, ngành của địa phương.
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa cũng đề xuất Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương thực hiện đề án tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp để đảm bảo sinh kế cho nhân dân. Bên cạnh đó tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan phối hợp chặt chẽ với công ty tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp người dân di cư tự do về ven hồ Dầu Tiếng.
Các ngành tích cực tuyên truyền pháp luật về thủy lợi, môi trường, đất đai.. và quy định khác của pháp luật có liên quan để người dân biết, thực hiện. Qua đó nhằm chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy trong mùa mưa, lũ, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.
Theo số liệu từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa, năm 2018, công ty đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng lập biên bản vi phạm với 76 hộ gồm 236 lồng bè, yêu cầu các hộ cam kết hộ tháo dỡ, di dời nhưng tới nay vẫn chưa giải quyết triệt để./.