Dừng hoạt động của chợ tự phát
Chiều 22/6, Sở Y tế tỉnh Bình Dương báo cáo đánh giá về tình hình số ca mắc hiện nay trên địa bàn tỉnh đang ở cấp độ 4 (từ 101-300 ca), do đó báo động mức độ cảnh báo dịch lên mức cao nhất để chuẩn bị tinh thần, thái độ, biện pháp và nguồn lực kịp thời chống dịch.
Ngành Y tế nhận định, trong các ổ dịch hiện nay, đáng ngại nhất và có nguy cơ lan rộng là ổ dịch tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên và công ty tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An với biến chủng virus được phát hiện tại Ấn Độ có tốc độ lây lân rất nhanh.
Theo đó, tỉnh yêu cầu dừng các hoạt động của chợ tự phát, nhất là chợ tự phát tại các khu công nghiệp, khu nhà ở công nhân; tăng cường quản lý chặt chẽ ở mức tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch ở các chợ truyền thống, siêu thị.
Tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thị xã Tân Uyên, thành phố Thuận An và một số phường của thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân, cộng đồng; xử lý nghiêm, đặc biệt xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm phòng, chống dịch làm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
[Tiền Giang siết chặt cách ly, Long An kết thúc nhiều điểm cách ly]
Ngành chức năng đề nghị người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch và tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Liên quan đến 2 tài xế Bắc-Nam (từ Hưng Yên chở hàng vào Bình Dương) giao cho Công ty Sewang Vina ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, vừa phát hiện mắc COVID-19, ngành y tế địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng huyện Bàu Bàng khẩn trương khoanh vùng, xử lý điểm dịch mới này; đồng thời phun khử khuẩn, tổng vệ sinh môi trường tại Công ty Sewang Vina và yêu công ty thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đúng theo quy định.
Hiện, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng huy động tổng lực lấy mẫu cho toàn bộ hơn 800 nhân viên tại Công ty Sewang Vina để xét nghiệm tầm soát COVID-19. Đến nay, đã truy vết được 22 trường hợp F1 liên quan đến 2 tài xế trên đưa đi cách ly tập trung theo quy định.
Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương đã ghi nhận 141 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng; trong đó riêng ngày 22/6, trên địa bàn Bình Dương ghi nhận thêm 33 ca mắc COVID-19 mới đã được Bộ Y tế công bố.
Dừng các hoạt động không thiết yếu
Ngày 22/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng vừa quyết định tiếp tục tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 23/6.
Cụ thể, tiếp tục tạm dừng các hoạt động lễ hội, tiệc cưới, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao tập trung đông người, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; hạn chế tập trung hơn 10 người đối với các câu lạc bộ thể dục, thể thao, hoạt động thể thao ngoài trời.
Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán, phục vụ khách tại chỗ, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu 2 mét (khuyến khích người dân mua mang về hoặc giao hàng tận nơi cho khách hàng).
Tùy tình hình thực tế, có thể yêu cầu dừng hoạt động một số nhà hàng có sức chứa quá đông gây nguy cơ lây nhiễm hoặc các cơ sở kinh doanh không tuân thủ điều kiện 5K theo thông điệp của Bộ Y tế.
Cùng ngày 22/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra, động viên, hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tại 53 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tại các chốt kiểm soát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc đã kiểm tra, thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho cuộc sống của nhân dân.
Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã trao quà gồm: khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, nước uống đóng chai, bình nấu nước siêu tốc, mỳ ăn liền... cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm chốt từ nguồn vận động xã hội hóa./.