Bình Dương sẽ cưỡng chế để giao mặt bằng cho tuyến Metro số 1

Trong 3 ngày tới, nếu Công ty TNHH Vĩnh Phát chưa bàn giao mặt bằng, các đơn vị chức năng của Bình Dương sẽ tiến hành cưỡng chế để tiến hành thi công dự án tuyến Metro số 1.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho biết địa phương đang vận động Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Dịch vụ Vĩnh Phát (đóng tại phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An) - nằm trên đường tuyến Metro số 1 chạy qua - khẩn trương bàn giao mặt bằng để các đơn vị thi công khoan thăm dò địa chất tại vị trí của công ty.

Nếu 3 ngày tới, Công ty Vĩnh Phát chưa bàn giao mặt bằng, các đơn vị chức năng sẽ củng cố hồ sơ cưỡng chế theo luật định.

Việc chậm bàn giao mặt bằng sẽ gây thiệt hại về kinh tế, làm chậm tiến độ thi công dự án Metro buộc chủ đầu tư phải đền bù với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng mỗi ngày.

Theo Ủy ban Nhân dân thị xã Dĩ An, tuyến Metro số 1, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng ở hai công ty là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Thành và Công ty Vĩnh Phát.

 Sau khi vận động, Công ty Đại Thành đã đồng ý tháo dỡ nhà kho, phân xưởng trên diện tích 7.500 m2, dự kiến trong vài ngày tới sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Riêng Công ty Vĩnh Phát chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Ông Võ Văn Giàu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Dĩ An cho biết việc giải phóng mặt bằng để phục vụ ba dự án qua địa bàn Bình Dương đã phải giải tỏa 125 hộ dân, trụ sở cơ quan và nhiều doanh nghiệp với tổng số tiền đền bù lên đến 815 tỷ đồng. Trong đó, người dân đã bàn giao toàn bộ mặt bằng thuộc tuyến Metro số 1, hiện Công ty Vĩnh Phát là đơn vị duy nhất gây khó khăn cho việc thực hiện dự án.

Trước đó, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã thẩm định khu đất 1,97ha của Công ty Vĩnh Phát và đưa ra mức đền bù lên tới 125 tỷ đồng nhưng Công ty Vĩnh Phát chưa đồng ý với mức giá đền bù này, tiếp tục khiếu nại và chây ỳ bàn giao mặt bằng.

Theo Ban quản lý dự án tuyến Metro số 1, hiện nhà thầu Nhật Bản đang đòi phạt lến đến 2,5 tỷ đồng/ngày vì lý do phía Việt Nam vi phạm hợp đồng.  Nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng là do đang vướng tại vị trí Công ty Vĩnh Phát ở tỉnh Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục