Bình Dương: Quá trình đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế gặp nhiều khó khăn

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương thừa nhận do đặc thù của quá trình đấu thầu mua thuốc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn và quản lý kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế trả lời chất vấn. (Nguồn: Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương)

Ngày 8/12, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 13, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X thu hút sự quan tâm của cử tri cũng như các đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Trong buổi chất vấn, đại biểu Đỗ Ngọc Huy đặt câu hỏi chất vấn về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập kéo dài khiến người dân bị ảnh hưởng, lo lắng khi khám, chữa bệnh.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương trả lời chất vấn về vấn đề trên, thừa nhận do đặc thù của quá trình đấu thầu mua thuốc đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn và quản lý kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Điều này dẫn đến một số loại thuốc vẫn còn thiếu, khiến việc cung ứng thuốc không đảm bảo đầy đủ.

Tình trạng thiếu hóa chất xét nghiệm và vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng bảo hiểm y tế.

Ông Nguyễn Hồng Chương giải thích sự chậm trễ trong quy trình mua sắm là do thay đổi thường xuyên trong thủ tục và quy định. Tuy nhiên, Sở Y tế cam kết áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn mới để khắc phục và tăng cường khả năng đấu thầu thời gian tới.

Đối với Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết dự án có thể hoàn thành vào đầu năm 2024. Tuy nhiên, việc mua sắm trang thiết bị và tư vấn đang gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn từ Bộ Y tế.

Ông nhấn mạnh việc đưa Bệnh viện vào vận hành phụ thuộc tiến độ các gói thầu liên quan, bao gồm cả hệ thống xử lý nước thải dự kiến hoàn thành trong quý 1/2024.

Trong khi đó, Ban Quản lý Dự án Xây dựng tỉnh thông báo dự án thành phần các gói thầu cho Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường đã được phê duyệt năm 2018, với tổng dự toán khoảng 790 tỷ đồng, bao gồm trang thiết bị y tế, nội thất và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp xảy ra khi các thủ tục không được thực hiện đúng, dẫn đến chưa nhận được hướng dẫn từ Bộ Y tế, làm trì hoãn các gói thầu liên quan.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh giải trình thêm tại phiên chất vấn, nhận trách nhiệm về tình trạng y tế thiếu thuốc kéo dài trong ngành y tế địa phương. Chủ tịch tỉnh Bình Dương cam kết nỗ lực khắc phục vấn đề này trong hệ thống y tế của tỉnh.

Cũng theo ông Võ Văn Minh, mặc dù có nhiều tiến bộ nhờ việc phân quyền thực hiện công tác đấu thầu nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

“Thời gian qua, tỉnh đã phân cấp, phân quyền để thực hiện công tác đấu thầu hiệu quả. Các bệnh viện và cơ sở y tế địa phương được tự quyết gói thầu từ 3 đến 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, có trường hợp một số loại thuốc vẫn thiếu do danh mục đấu thầu vẫn chưa có nhà cung cấp dù đã liên tục mời thầu," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Liên quan đến việc chậm tiến độ Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết tâm phấn đấu sẽ đưa bệnh viện quy mô lớn này vào vận hành trong quý 3/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục