Bình Dương nâng chất lượng nhân lực để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn

Bình Dương xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với nhiều nội dung cụ thể phù hợp với từng đối tượng như đối với học sinh phổ thông là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo bậc học phổ thông.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty chế biến gỗ Triệu Phú Lộc (xã An Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty chế biến gỗ Triệu Phú Lộc (xã An Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Để thực hiện hiệu quả các nội dung của việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh, Bình Dương xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết làm nên thành công chứ không thể chỉ dừng ở công nghệ.

Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là một trong những thế mạnh giúp địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Đào tạo gắn với nhu cầu

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, tỉnh đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với nhiều nội dung cụ thể phù hợp với từng đối tượng được đào tạo như đối với học sinh phổ thông là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo bậc học phổ thông.

Với sinh viên các trường đại học, cao đẳng là đào tạo gắn với “đầu ra” nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là phục vụ việc thu hút những doanh nghiệp công nghệ cao đến đầu tư tại tỉnh.

Với những công nhân - lực lượng lao động trực tiếp trong các nhà máy, công ty, việc  đào tạo lại hướng tới nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp...

[Xây dựng thành phố thông minh tại Bình Dương: Tạo động lực phát triển]

Ngay trong nội dung của Đề án thành phố thông minh Bình Dương, tỉnh đã đề ra mục tiêu dài hạn là phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo phát triển và “giữ chân” được các nhân tài khoa học kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, các trung tâm thực nghiệm, không gian sáng tạo được triển khai trên địa bàn tỉnh là những không gian có sẵn máy móc thiết bị, sử dụng chung giữa viện, trường và doanh nghiệp để tạo điều kiện phát triển các ý tưởng sáng tạo.

Mục tiêu này sẽ được củng cố nhờ hạ tầng giáo dục tốt ở địa phương, các chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế trong các nhà trường và môi trường làm việc năng động, hợp tác các nguồn lực, giúp Bình Dương có được lực lượng lao động tài năng, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, địa phương có lợi thế là địa phương nằm sát Thành phố Hồ Chí Minh, nếu thực hiện tốt việc kết nối hệ thống giao thông, nhất là giao thông công cộng sẽ tạo thuận lợi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Dương làm việc.

Việc đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi phải có thời gian cùng nhiều yếu tố đi kèm mới có thể kết luận rõ rệt về hiệu quả, song theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, những con số định lượng sơ bộ như đối với bậc học phổ thông, Bình Dương đứng thứ 2 trong cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020, đồng thời xếp thứ 2 (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh) về điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi Trung học Phổ thông năm 2020 hay tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tới 80% có thể phần nào cho thấy hướng đi đúng của việc coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với từng bậc học trên địa bàn tỉnh.

Tiến sỹ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Đức chia sẻ, trường đã và đang đào tạo khoảng 3.000 sinh viên đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Đức và châu Âu phục vụ quá  trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, với vai trò của trường đại học đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương - trường nhận thức rõ trách nhiệm và là một thành viên tích cực của Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, đóng góp chính của trường là thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và các đối tác Đức.

Trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh với hai nhóm nguồn nhân lực là đào tạo sinh viên trình độ đại học, thạc sỹ và tham gia các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho nguồn nhân lực khu vực doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương; trong đó chú trọng trang bị, nâng cao năng lực về quản lý, tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp, chế tạo. Đây là yêu cầu rất lớn cho một tỉnh lấy công nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển như Bình Dương.

Trường thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là dự án đào tạo cho đội ngũ quản lý kỹ thuật trong các doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương để họ có thể tiếp cận những phương pháp mới trong quản trị doanh nghiệp vì nếu quản trị tốt trong sản xuất sẽ giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tạo thuận lợi các nhà quản trị tiếp cận các công nghệ mới.

Thời gian qua, thông qua chương trình do Bộ Công Thương hỗ trợ, trường đã tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo khoảng 250 cán bộ ở 5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Bình Dương về quản lý doanh nghiệp.

Hiện nay, trên 110 sinh viên hệ đại học và thạc sỹ của tỉnh Bình Dương đang theo học các chương trình của Đại học Việt - Đức. Các sinh viên này được tiếp cận những tri thức mới nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ và quản trị, được trang bị kỹ năng làm việc, cách tiếp cận của một người sống trong xã hội công nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể sử dụng thông thạo cả tiếng Anh và cả tiếng Đức, góp phần “phá” rào cản về ngôn ngữ là nhiều lao động từng gặp khó khăn khi làm việc trong các doanh nghiệp quốc tế vì yếu ngoại ngữ.

Theo Tiến sỹ Hà Thúc Viên, công nghệ có thể mua rất nhanh nhưng để có nguồn nhân lực lại đòi hỏi mất một khoảng thời gian đào tạo, do đó để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực rất cần những giải pháp căn cơ, kiên trì, đồng bộ từ cả chính quyền, nhà trường và doanh nghiệp.

Thúc đẩy tư duy khởi nghiệp

Để có nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cộng với xu hướng hội nhập quốc tế, nền kinh tế số, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động khởi  nghiệp sáng tạo là hết sức cần thiết.

Mới đây, tại cuộc họp của Ban Điều hành thành phố thông minh tỉnh Bình Dương, đại diện Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bình Dương - Becamex IDC cho biết, doanh nghiệp này đã hoàn thiện  cơ sở Vườn ươm doanh nghiệp trong khuôn viên Trường Đại học Quốc tế miền Đông (trường Đại học do Becamex IDC đầu tư).

Bình Dương nâng chất lượng nhân lực để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn ảnh 1Tham quan mô hình hoạt động của Trường Đại học Quốc tế Miền đông. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Với vai trò của trường đại học - một thành phần hỗ trợ không thể thiếu của hệ sinh thái khởi nghiệp, Đại học Quốc tế miền Đông đã đưa chuyên ngành Khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, thành lập Vườn Ươm doanh nghiệp với tầm nhìn thúc đẩy tư duy khởi nghiệp trong khu vực, qua đó đóng góp giá trị mới cho cộng đồng và nền kinh tế quốc gia, cung cấp các chương trình, dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp.

Vườn ươm doanh nghiệp tại khuôn viên trường Đại học Quốc tế miền Đông có nhiệm vụ hỗ trợ các cá nhân, tổ chức hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp phát triển thông qua việc cung cấp những dịch vụ, cơ sở vật chất, những khóa tập huấn.

Tại vườn ươm này, các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, định hướng và đưa ra các giải pháp toàn diện về chuyên môn cho các doanh nghiệp mới thành lập.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Quốc tế miền Đông vừa được Trung tâm Kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cấp Chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chí kiểm định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều này góp phần khẳng định chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người học có những trải nghiệm thực tế, hình thành tư duy khởi nghiệp để thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế số trong giai đoạn tới, đặc biệt là cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh Bình Dương - nơi trường đứng chân, góp phần thực hiện hiệu quả đề án mang tính đột phá về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương là Đề án thành phố thông minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục