Chiều 16/10, mưa lớn cộng với việc triều cường dâng cao khiến nhiều khu vực, tuyến đường của tỉnh Bình Dương ngập chìm trong nước.
Gần khu trung tâm hành chính thị xã Dĩ An, một cháu bé khoảng 5 tuổi đã bị nước cuốn trôi. Hiện lực lượng cứu hộ tỉnh Bình Dương đang khẩn trương tìm kiếm cháu bé.
Mưa bắt đầu từ 16 giờ 30 cùng ngày và chỉ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ nhưng đã làm nhiều khu vực và tuyến đường ngập chìm trong nước.
Tại Quốc lộ 13 đoạn qua thị xã Thuận An bị ngập sâu, có đoạn ngập hơn 0,5m. Các phương tiện lưu thông qua tuyến quốc lộ này gặp khó khăn, nhiều xe máy bị chết máy. Những hộ dân có nhà ven đoạn đường nước ngập của Quốc lộ 13 phải di chuyển liên tục tránh nước ngập tràn vào nhà.
Chợ Thủ Dầu Một - trung tâm mua bán lớn nhất của tỉnh Bình Dương bốn bề đều ngập nước. Còn tại thành phố Thủ Dầu Một, nhiều tuyến đường như Kha Văn Công, Trần Nghiệp Đoàn, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền... cũng bị ngập từ 0,2-0,3m.
Tại đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn qua phường Phú Thọ), ngập sâu từ 0,4- 0,5m và kéo dài khoảng 1km. Khu vực ngã ba Cống trên đường Thích Quảng Đức ngập sâu từ 0,7-0,8m. Nước tràn vào nhà của nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực này.
Do cơn mưa diễn ra trong chiều cuối tuần đã khiến việc kinh doanh bị ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng, cơ sở ăn uống, vui chơi bị nước tràn vào phải đóng cửa.
Trước đó, rạng sáng 16/10, ở Bình Dương cũng đã có mưa lớn, gây mất điện trên diện rộng ở thành phố Thủ Dầu Một và một số huyện, thị xã khác.
Theo thông tin cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bình Dương, trong các ngày 17-18/10, mực nước hạ lưu sông Sài Gòn sẽ ở mức đỉnh triều cường. Mực nước đỉnh triều cao nhất hàng ngày sẽ xuất hiện vào buổi sáng từ 7-9 giờ, buổi chiều từ 17-20 giờ và có khả năng ở mức 1,50-1,55m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,20-0,25m tại Trạm Thủ Dầu Một (cảng Bà Lụa). Triều cường đạt đỉnh có thể tràn bờ, gây ngập úng các khu vực trũng thấp ven sông Sài Gòn.
Để chủ động phòng chống ngập lụt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương đề nghị, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Bến Cát, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An và Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn tổ chức thực hiện tốt các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế bể bờ bao, tràn bờ gây thiệt hại tài sản và sinh hoạt của nhân dân./.
Chiều cùng ngày, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có mưa lớn trên diện rộng và kéo dài, trùng với thời điểm triều cường trên hệ thống kênh rạch trên địa bàn thành phố lên cao khiến nhiều khu vực trũng thấp bị ngập sâu trong nước. Nhiều tuyến đường ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Nhà Bè, Quận 2, 7, 8, 12... bị ngập sâu trong nước.
Các tuyến đường Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Bến Bình Đông (quận 8)... bị ngập sâu từ 20-50cm. Đường ngập cũng khiến nhiều xe máy, ôtô bị chết máy.
Do mưa và triều cường lên cao đúng vào giờ cao điểm, nên nhiều tuyến đường, giao lộ như Trường Chinh, Cộng Hòa, Xa Lộ Hà Nội, Quốc Lộ 13... bị ùn ứ kéo dài.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, mực nước vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai tiếp tục lên nhanh trong hai ngày qua và hiện ở mức cao. Mực nước thực đo cao nhất tính đến 7 giờ ngày 16/10 tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) là 1,49m, trạm Nhà Bè (Kênh Đông Điền) là 1,50m (mức báo động 3). Mức đỉnh triều tại trạm Phú An lúc 17 giờ ngày 16/10 đạt trên 1,6, vượt mức báo động 3 hơn 0,1m.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ cho biết mực nước đỉnh triều vùng hạ lưu sông Sài Gòn-Đồng Nai sẽ tiếp tục lên trong những ngày tới và đạt đỉnh vào khoảng ngày 17-18/10.
Tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,63-1,68m (cao hơn báo động 3 từ 0,13-0,18m), thời gian xuất hiện đỉnh triều trong ngày từ 5-7 giờ và từ 17-19 giờ./.