Bình Dương là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo

Bình Dương là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2010, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có tỷ lệ hộ nghèo (0,02%) và cận nghèo (0,2%) rất thấp.
Bình Dương là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo ảnh 1Miền núi Tây Bắc và Đông Bắc là hai khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 2,31 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,79% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,24 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,27%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Đây là kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương. Tuy nhiên, số liệu này hiện nay vẫn còn các tỉnh Sóc Trăng, Bình Phước chưa có báo cáo chính thức.

Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã tăng tỷ lệ hộ nghèo từ dưới 5% năm 2015 lên hơn 9% năm 2016 do chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 tiếp cận dựa trên việc đo lường thu nhập nhưng chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2016-2020 nâng tiêu chí về thu nhập và đo lường thêm các mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Theo kết quả điều tra, khu vực miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 34,52%, tiếp theo là Tây Nguyên và miền núi Đông Bắc với 20,74%. Đông Nam bộ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với 1,23%, tỷ lệ hộ nghèo của Đồng bằng sông Hồng cũng chỉ 4,76%.

Điện Biên (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%)... là những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Trong khi đó, Bình Dương là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo mới, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có tỷ lệ hộ nghèo (0,02%) và cận nghèo (0,2%) rất thấp. Đây là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các địa phương hoàn tất công tác nghiệm thu phiếu thu thập thông tin đặc điểm và điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn quốc. Dự kiến sẽ hoàn thành công tác nghiệm thu, nhập​ dữ liệu trong quý 3 năm nay.

Trên cơ sở phân tích hệ thống cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đánh giá chi tiết về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản ở các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ cho các đối tượng theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện tăng cường khả năng tiếp cận của các hộ gia đình đối với những chiều thiếu hụt.

Một số chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội chung cho đối tượng hộ nghèo trên toàn quốc như các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi... vẫn sẽ được duy trì để các hộ gia đình có điều kiện đảm bảo cuộc sống, nâng cao thu nhập, từ đó có khả năng tự nâng cao khả năng tiếp cận của hộ gia đình với các dịch vụ xã hội cơ bản./.

Chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích bước đầu thực hiện chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo ở Việt Nam từ phương thức đo lường đơn chiều về thu nhập sang tiếp cận phương pháp đo lường đa chiều, bao gồm việc ước lượng thu nhập và thu thập thông tin về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) của các hộ gia đình để làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục