Bình Dương: Hơn 80% vụ ngộ độc xảy ra ở bếp ăn tập thể

Các vụ ngộ độc thực phẩm thường xảy ra tại các bếp ăn tập thể, nhà ăn chưa được kiểm tra, hướng dẫn về an toàn thực phẩm, chưa nghiêm túc thực hiện ký cam kết không để xảy ra ngộ độc.
Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Meraki nằm điều trị tại Bệnh viện Quân đoàn 4 (Bình Dương) ngày 22/7. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương, ​kết quả khảo sát tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến nay​ cho thấy số vụ ngộ độc thực phẩm không tăng nhưng số lượng người mắc lại tăng lên, đồng thời diễn biến và tính chất các vụ ngộ độc ngày càng phức tạp.

Thống kê cho thấy, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các bếp ăn tập thể trường học, nhà máy, xí nghiệp chiếm trên 80%; trong đó, các vụ ngộ độc xảy ra ở các bữa ăn chiều hoặc bữa ăn tối (thời điểm tăng ca) chiếm tỷ lệ gần 56%; nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do vi sinh vật.

Điểm đáng chú ý, các thức ăn dẫn đến ngộ độc là thực phẩm nguội (bún, bì, chả, rau sống...) hoặc thực phẩm không được hâm nóng lại trước khi sử dụng. Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tập trung vào thời điểm giao mùa, vào tháng ​5, 6 và tháng 11, 12.

Qua điều tra, các vụ ngộ độc thực phẩm thường xảy ra tại các bếp ăn tập thể, nhà ăn chưa được kiểm tra, hướng dẫn về an toàn thực phẩm, chưa nghiêm túc thực hiện ký cam kết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, chưa được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và người nấu ăn chưa có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh lân cận, các chợ tự phát... và chưa được kiểm soát về an toàn thực phẩm. Do đó, khi xảy ra ngộ độc, việc điều tra nguồn gốc, xuất xứ thường mất dấu, không truy nguyên được nguồn gốc để có biện pháp thu giữ, ngăn chặn sử dụng…

Trước tình hình các vụ ngộ độc xảy ra liên tiếp gần đây tại các bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, Sở Y tế tỉnh Bình Dương tăng cường thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm.

Các ngành chức năng tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; vận động, khuyến khích các trường học, nhà máy, xí nghiệp hạn chế cho học sinh, người lao động sử dụng thực phẩm nguội (bún, bì, chả, rau sống); đặc biệt, kiểm soát các bữa ăn tăng ca vào buổi chiều hoặc buổi tối.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục