Bình Dương: Hơn 29.600 lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp

Đến hết tháng 6/2023, tỉnh đã có hơn 83.000 lao động bị cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động do đơn hàng giảm. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là hơn 717 tỷ đồng.
Bình Dương: Hơn 29.600 lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết đến ngày 30/6, hơn 29.600 lao động trong tỉnh đã có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là hơn 717 tỷ đồng, với mức hưởng bình quân bảo hiểm thất nghiệp là gần 4 triệu đồng/tháng.

Đây là nguồn thu nhập góp phần ổn định cuộc sống của những lao động thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm mới.

Ông Phạm Văn Tuyên cho biết thêm suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, nhất là tại các thị trường lớn dẫn đến số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp trong nước bị sụt giảm từ 40-50% so với cùng kỳ. Ngành nghề bị nhiều ảnh hưởng là gỗ, dệt may, giày da...

Nhiều doanh nghiệp để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh phải tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động. Đến hết tháng 6/2023, tỉnh đã có hơn 83.000 lao động bị cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động.

[Đồng Nai chi hơn 820 tỷ đồng hỗ trợ lao động thất nghiệp]

Để hỗ trợ người lao động tìm kiếm, chuyển đổi công việc phù hợp, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ổn định sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã tăng cường công tác đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người lao động.

Sở tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh; hướng tới tự chủ cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa về giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích việc mở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Sở cũng tích cực phối hợp với các ngành để nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu đào tạo lao động; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo mới, đào tạo lại lao động; tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động dạy nghề gắn với sản xuất cũng như chuyển đổi công việc cho người lao động.

Ông Tuyên chia sẻ thêm hiện Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp; kịp thời kết nối thông tin, hỗ trợ người lao động tiếp cận với các vị trí việc làm; giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày…

Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm, có 1.416 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng là 23.950 lao động tham gia; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 57.054 lao động.

Ngoài ra, Sở đã phối hợp với các ngành chủ động bám sát địa bàn, theo dõi, nắm chắc tình hình phát sinh tranh chấp giữa doanh nghiệp và người lao động, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể kéo dài, lan rộng.

Sở cũng đôn đốc, kiểm tra và nhắc nhở các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến việc thực hiện các chế độ, chính sách của người lao động trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn phải cắt giảm lao động; có văn bản hoặc trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp ngay, kịp thời... không để phát sinh mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động dẫn đến ngừng việc, tranh chấp tập thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục