Tại hội nghị, đã có 18 đại biểu có ý kiến phát biểu ý kiến góp ý về các nội dung Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy Nhà nước; Hội đồng Nhân dân, Chính quyền địa phương; Hội đồng Hiến pháp, Kiểm toán nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp…
Ở Điều 4 Chương I, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao là dự thảo đã khẳng định được vai trò, vị trí và tầm quan trọng và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Bùi Xuân Phương, (cán bộ hưu trí thị xã Thuận An) đề nghị bổ sung thêm cụm từ “ hết lòng hết sức” trước” ... phục vụ nhân dân”.
Các luật sư, luật gia có nhiều ý kiến như đề nghị sửa khoản 3 Điều 32 thành” Người bị bắt tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền bào chữa, tự mình hoặc thông qua người khác nhờ luật sự bào chữa. Trường hợp nhờ luật sư bào chữa thì người bị bắt tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền không khai khi không có mặt luật sự” với lý do người bị bắt không có điều kiện nhờ luật sư bào chữa thì người khác có thể nhờ luật sư; hoặc để đảm bảo việc lấy lời khai được khách quan, không bị ép cung, dụ cung hoặc bị nhục hình ...
Các đại biểu đề nghị đưa khoản 7 Điều 108 quy định thành một Điều luật riêng trong Chương II vì đây là quyền cơ bản của công dân không phù hợp và khoa học nếu đưa vào Chương VIII về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân...
Ở Điều 120, Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội thành lập nên không có địa vị pháp lý độc lập, bị hạn chế về thẩm quyền và chức năng như các Ủy ban khác do Quốc hội thành lập. Do đó, Dự thảo cần đánh giá và xem xét lại định chế Hội đồng Hiến pháp để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật. Nên chăng cần thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách và có địa vị pháp lý độc lập.
Thượng tọa Thích Huệ Thông, Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật Giáo, đề nghị bổ sung thêm cụm từ "... phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội” vào khoản 1 Điều 16; thêm cụm từ " Không ai có quyền bắt buộc người khác phải theo hoặc không theo một tôn giáo nào” vào khoản 1 Điều 25 và bổ sung vào Điều 25 nội dung: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động và thực hiện các quyền dân dự của mình; thêm cụm từ " ...hành nghề theo qui định pháp luật” vào khoản 1 Điều 34; thêm cụm từ " cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước” vào Điều 35.
Ông Trịnh Công Thận ( đại biểu cử tri cao tuổi thành phố Thủ Dầu Một) đề nghị Chương II về Quyền con người cần có điều khoản nói rõ hơn về trách nhiệm phải chăm lo trẻ em từ mới sinh ra được chăm sóc, học hành và không bị bóc lột sức lao động; nghiêm cấm ngược đãi người già neo đơn...
Riêng ông Nguyễn Đông (Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Dự thảo nói chưa rõ nét về nạn tham nhũng, chỉ nêu rất ít ở Điều 8 và Điều 60 và đề nghị Dự thảo cần thể hiện rõ hơn về nội dung này cũng như biện pháp xử lý mạnh để răn đe hạn chế “quốc nạn” này.
Nhiều ý kiến đồng quan điểm là bỏ đoạn " và các dự án phát triển kinh tế” trong khoản 3 Điều 58 vì nội dung này không hợp lý và để tránh bị lợi dụng khi nhà nước thu hồi đất, vì nếu dự án phát triển kinh tế phải theo giá thỏa thuận hai bên; đưa cụm từ “độc lập” lên trước “ dân chủ” trong Điều 1 Chương I; bỏ từ “cách mạng” ở Điều 71 và 72; viết lại Điều 71 vì quân đội và lực lượng dự bị động viên là hai thành phần của một lực lượng quân đội... cùng kiến nghị bổ sung, thay thế một số từ ngữ, cụm từ cho phù hợp, dễ hiểu khác.
Theo Ban chỉ đạo tỉnh, toàn tỉnh đã có gần 1.000 ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại 7 huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp ở một số cơ quan, đơn vị, nhân dân ở một số xã, phường, thị trấn./.