Bình Dương: Gia tăng tử vong do sốt xuất huyết là người nhập cư

Bệnh sốt xuất huyết đáng lo ngại trong cộng đồng người nhập cư ở khu nhà trọ bởi trong số tám người tử vong thì có đến sáu trường hợp được ghi nhận là người nhập cư vừa chuyển đến Bình Dương.
Phun thuốc diệt muỗi tại khu dân cư. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 9/10, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết trong tháng Chín vừa qua số ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tiếp tục gia tăng và đã có thêm bốn ca tử vong, nâng tổ số ca tử vong hai tháng gần đây lên tám trường hợp.

Bình Dương là địa phương đang báo động vì có số ca tử vong do sốt xuất huyết cao nhất ở Đông Nam bộ.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết; trong đó số người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng, chiếm trên 43%.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế Bình Dương, bệnh sốt xuất huyết đáng lo ngại trong cộng đồng người nhập cư ở khu nhà trọ. Bởi trong số tám người tử vong thì có đến sáu trường hợp được ghi nhận là người nhập cư ở ngoài tỉnh vừa chuyển đến Bình Dương. Hiện ba địa phương tập trung đông khu nhà trọ gần các khu công nghiệp để xảy ra số ca mắc bệnh sốt xuất huyết khá nhiều là thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và thành phố Thủ Dầu Một.

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế Bình Dương về dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, qua đó đã cảnh báo về thực trạng người dân sống ở các khu nhà trọ mắc sốt xuất huyết gia tăng.

Phó giáo sư-tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao là do Bình Dương có sự biến động lớn dân cư; trong đó thu hút hàng trăm nghìn người lao động từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến đây sinh sống, làm việc. Số người nhập cư bị sốt xuất huyết đã mang theo mầm bệnh nên rất dễ mắc bệnh và lây lan cho cộng đồng, đặc biệt là tại các khu nhà trọ.

Theo Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, cần có một cuộc khảo sát, điều tra tình hình thực tế các ca bệnh mắc sốt xuất huyết liên quan đến người nhập cư để có biện pháp khoanh vùng, lên kế hoạch phòng trừ dịch bệnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành y tế địa phương cần phối hợp với các khu nhà trọ tổ chức tuyên truyền, chủ động phòng ngừa, ra quân diệt bọ gậy, loăng quăng quanh các khu nhà trọ ẩm thấp để hạn chế bệnh sốt xuất huyết lây lan.

Bác sỹ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y-Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết bệnh sốt xuất huyết năm nay rơi vào đúng chu kỳ. Năm ngoái, dịch bệnh đã kéo giảm xuống đáy, nhưng đến chu kỳ năm nay dịch bắt đầu quay lại và bùng lên khá mạnh. Ngay từ tháng 6/2015, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh chủ động phương tiện, cán bộ và cơ số thuốc men nhằm ứng phó với sốt xuất huyết. Hiện tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở Bình Dương vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát.

Còn tại Sóc Trăng, theo số liệu thống kê của Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 6/10, toàn tỉnh đã có 203 ổ dịch (tăng 101 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2014) với 1.221 ca sốt xuất huyết, tăng 544 ca so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thị xã Vĩnh Châu, vùng ven biển của tỉnh, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, tổng cộng từ đầu năm đến nay là 678 ca, chiếm trên 55% tổng số ca toàn tỉnh. Tuy chưa có ca nào tử vong nhưng số ca nặng ở Sóc Trăng đến nay là 45 ca, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2014.

Nhận định của ngành chức năng cho thấy, bệnh sốt xuất huyết sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp do năm nay đúng chu kỳ 5 năm, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Vì vậy để chủ động ngăn ngừa đợt dịch mới xảy ra vào những tháng tới được xác định là đỉnh cao của dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng cùng các địa phương tập trung phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên diện rộng ở những xã, phường trọng điểm.

Ở những vùng quê Sóc Trăng, nhất là vùng đồng bào Khmer, đời sống người dân còn khó khăn, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là người dân còn lơ là, chưa quan tâm phòng bệnh và cho rằng sốt xuất huyết chỉ xảy ra ở trẻ em. Không ít hộ có thói quen trữ nước mưa để sử dụng nhưng không thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng và phòng ngừa muỗi sinh sản, dẫn đến chỉ số loăng quăng ở các dụng cụ chứa nước chiếm rất cao. Việc ăn ở, vệ sinh chưa sạch sẽ, môi trường chưa đảm bảo cũng là những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết còn khá cao ở vùng nông thôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục