Bình Dương: Dự án Metro phải đền tiền tỷ vì chậm tiến độ?

Bình Dương: Dự án Metro phải đền hàng tỷ đồng vì chậm tiến độ?

Việc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Vĩnh Phát không chịu bàn giao mặt bằng đã khiến tuyến metro số 1 TP.HCM bị chậm tiến độ, nhà thầu Nhật Bản yêu cầu bồi thường 2,5 tỷ đồng/ngày.
Mô hình tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 19/12, đoàn công tác cưỡng chế thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã có mặt tại Công ty Trách nhiệm hữu hạng Thương mại-Dịch vụ Vĩnh Phát (thị xã Dĩ An, Bình Dương) để công bố quyết định và vận động để cưỡng chế thu hồi đất.

Tuy nhiên, phía chủ công ty Vĩnh Phát vắng mặt với lý do "đang nằm viện" và thiếu hợp tác với các ngành chức năng. Cả tuyến Metro đang tiếp tục bị ách tắc và chậm tiến độ chưa biết đến bao giờ.

Tuyến metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Thành-Suối Tiên) có tổng mức đầu tư trên 50.000 tỷ đồng đang bị chậm tiến độ chỉ vì Công ty Trách nhiệm hữu hạng Thương mại-Dịch vụ Vĩnh Phát  chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Sự chậm trễ này sẽ dẫn đến việc chủ đầu tư dự án Metro số 1 trước nguy cơ bị phía nhà thầu Nhật Bản yêu cầu bồi thường mỗi ngày trên 2,5 tỷ đồng.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án Metro số 1) tiếp tục gửi công văn hối thúc Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm để bàn giao mặt bằng của Công ty Trách nhiệm hữu hạng Thương mại-dịch vụ Vĩnh Phát bàn giao mặt cho nhà thầu trước ngày 31/12, để thi công gói thầu số 2.

Trong công văn gửi tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư dự án Metro số 1 quan ngại về vấn đề này do việc tiếp tục chậm trễ tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa bàn thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của dự án cũng như nguy cơ gia tăng các chi phí phải bồi thường cho nhà thầu.

Ông Trần Văn Út, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Dĩ An (Bình Dương), cho biết Công ty Vĩnh Phát được thẩm định tổng giá trị đất và tài sản trên đất khoảng 125 tỷ đồng.

Hội đồng bồi thường đã gặp nhiều lần gặp gỡ, vận động công ty, yêu cầu công ty nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay công ty chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Vừa qua, thị xã Dĩ An đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao chủ đầu tư. Hiện tiến độ bàn giao mặt bằng so với chỉ đạo của Chính phủ đến nay đã trễ.

Trong dự án chỉ còn duy nhất Công ty Vĩnh Phát chưa đồng thuận và bàn giao mặt bằng. Nếu vận động mà công ty không đồng thuận nữa thì Ủy ban Nhân dân thị xã Dĩ An tổ chức biện pháp hành chính cưỡng chế để thu hồi đất, buộc công ty bàn giao mặt bằng để thi công, đảm báo tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Dĩ An, Trưởng Ban cưỡng chế cho hay, phía Công ty Vĩnh Phát hợp tác rất hạn chế. Cụ thể, trong ngày 19/12 cũng như ngày công bố quyết định cưỡng chế, chủ công ty không có ở nhà với lý do "nằm viện." Các nhân viên khác thì trả lời không có thẩm quyền.

Quyết định về cưỡng chế hiện đã được niêm yết tại Công ty Vĩnh Phát và tại phường Bình Thắng.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, việc ra quyết định cưỡng chế và dự kiến phải mất 30 ngày mới tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, do phía Công ty Vĩnh Phát bất hợp tác trong công tác vận động, nên việc triển khai các bước thủ tục đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, một quan ngại khác mới phát sinh về phương án cưỡng chế với việc di dời một số lượng khổng lồ hàng trăm xe, máy móc hạng nặng phải cần một diện tích nhiều ha đất.

Nhưng đến nay, các ngành chức năng ở thị xã Dĩ An chưa tìm ra phương án cưỡng chế giải phóng số lượng khổng lồ hàng trăm chiếc xe lu, xe ủi đất, xe cuốc tại công ty Vĩnh Phát để thu hồi mặt bằng giao cho đơn vị thi công.

Ông Trần Văn Út, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Dĩ An-Bình Dương lo ngại, với khối lượng tài sản trên đất phải di dời khá lớn, về việc này, Ban cưỡng chế của Ủy ban nhân dân thị xã Dĩ An cần phải cho kiểm tra và bàn bạc kỹ với các ngành chức năng để có biện pháp di dời tốt nhất, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Hiện, các nhà thầu vẫn tiếp tục hối thúc phải có mặt bằng bàn giao chậm nhất là 31/12, nhưng toàn tuyến Metro số 1 vẫn đang bị ách tắc vì một doanh nghiệp ngáng đường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục