Bình Dương: Doanh nghiệp gặp khó về giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2

Tổng giám đốc Công ty Sáng Ban Mai cho rằng việc thực hiện kiểm soát dịch giữa các địa phương bằng giấy xét nghiệm âm tính rất tốn chi phí, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp mà chưa chắc hiệu quả.
Bình Dương: Doanh nghiệp gặp khó về giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 ảnh 1Người lao động xếp hàng dài, chen chúc đi test nhanh COVID-19 để lấy giấy "thông hành" tại một cơ sở y tế ở tỉnh Bình Dương .(Ảnh: TXVN phát)

Ngày 7/7, người dân ở Bình Dương vẫn ùn ùn đổ về các cơ sở y tế test nhanh COVID-19, làm cơ sở lấy giấy "thông hành" để về quê và đi sang các tỉnh khác làm việc.

Tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thực hiện kiểm soát dịch giữa các địa phương bằng giấy xét nghiệm âm tính, việc này không những làm giảm năng suất lao động mà còn gây tốn kém, đội nhiều chi phí không đáng có trong tình hình kinh tế các doanh nghiệp đang khó khăn.

Chủ tịch công đoàn Công ty Cổ phần Sao Việt (Khu công nghiệp Đồng An, thành phố Thuận An, Bình Dương) Nguyễn Bình Yên cho biết, công ty đang gặp khó trong việc thực hiện kiểm soát dịch giữa các địa phương bằng giấy xét nghiệm âm tính, nguyên nhân do công ty hoạt động theo hình thức gia công, chi phí lợi nhuận tháng nào giải quyết tháng đó.

Cùng với đó, đơn hàng của công ty bị giảm, tiền gia công phía đối tác trả chậm 120 ngày, nhiều khoản chi phát sinh nên doanh nghiệp đang rất khó khăn. Công ty hiện có khoảng 4.000 lao động, không đủ chỗ cho công nhân ở lại.

Cũng theo ông Yên, công ty đang phải chi trả thêm phần chi phí cho những trường hợp bị F1, F2, F3 đang ở nhà, người lao động trong khu cách ly.

Nếu phải thêm chi phí test COVID-19 cho người lao động đi lại giữa các vùng, doanh nghiệp không đủ khả năng. Ông và công ty hy vọng cơ quan chức năng hay nhà nước có những hỗ trợ về chi phí trong việc test COVID-19.

[Bình Dương khống chế ổ dịch ở các doanh nghiệp có hàng nghìn lao động]

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, thị xã Bến Cát)  Trần Thành Trọng khẳng định: Từ năm 2020 đến nay, các đơn hàng xuất ra nước ngoài của công ty đã đình trệ, chủ yếu là các đơn hàng nội địa.

Công ty có hơn 100 công nhân, hơn 30% công nhân của công ty chủ yếu phải đi giao hàng, lắp đặt, bảo hành thiết bị trên toàn quốc.

Hiện, công ty kiểm soát chặt vấn đề ra vào của công nhân lao động, khai báo y tế, có máy đo thân nhiệt.

Ông Trọng cho rằng việc thực hiện kiểm soát dịch giữa các địa phương bằng giấy xét nghiệm âm tính rất tốn chi phí, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp mà chưa chắc hiệu quả vì các tỉnh lân cận khác đều có dịch, ngoài ra còn làm ách tắc lưu thông, nhất là các công ty có đội ngũ xe chở hàng đông.

Ông có kiến nghị về việc gia hạn thời gian về giấy kết quả khi kiểm tra COVID-19 lên thành 7 ngày, chứ nhiều nơi thời hạn 3 ngày quá ngắn.

Đại diện một số công ty trên địa bàn thành phố Dĩ An (Bình Dương) cũng cho biết, thành phố Dĩ An đã cho áp dụng chỉ thị 16 ở Dĩ An và áp dụng thêm người lao động phải có kết quả test âm tính COVID-19 mới được vào thành phố.

Từ khi áp dụng, các địa điểm làm xét nghiệm COVID-19 đều quá tải, việc lo giấy xét nghiệm một lần test được 3 ngày, 2 ngày sau phải đi test lại, việc test xoay vòng liên tục cho các công nhân từ thứ 2 đến thứ 7 khiến các công ty rất áp lực, giảm năng suất lao động.

Theo đó, giá xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR mẫu đơn là 734.000 đồng/lần xét nghiệm. Xét nghiệm PCR mẫu gộp giá 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp (gộp 5 hoặc gộp 10) cộng với 100.000 đồng/mẫu (là giá công lấy mẫu và bảo quản mẫu bệnh phẩm).

Thời gian trả kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR từ 4-6 tiếng đồng hồ. Giá xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh dao động từ 238.000 đồng đến 400.000 đồng/lần, mỗi cơ sở y tế lại có giá test nhanh COVID-19 khác nhau.

Ngoài ra, tại các phòng khám trên địa bàn tỉnh, hàng trăm người đứng kín sân bệnh viện, khu chờ xét nghiệm chen lấn nhau, rất lộn xộn, không giữ khoảng cách an toàn, không đảm bảo quy định về phòng chống dịch.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương khuyến khích nếu người dân ở nơi khác đến Bình Dương làm việc hàng ngày thì tốt nhất nên ở lại tỉnh Bình Dương; các doanh nghiệp bố trí chỗ ăn ở cho người lao động ở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục