Bình Dương đã chặn đứng được một số nguồn lây tại doanh nghiệp

Tỉnh Bình Dương đã kiểm soát được ổ dịch tại Công ty TNHH Puku Việt Nam, Chung cư E-Home 4 và một số ổ dịch khác cũng không còn khả năng lây lan ra cộng đồng.
Bình Dương đã chặn đứng được một số nguồn lây tại doanh nghiệp ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho nhân viên Chi nhánh Xí nghiệp Xử lý chất thải Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 25/6, theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đến nay tỉnh đã cơ bản “cắt đứt” nguồn lây, kiểm soát được các ổ dịch tại nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn.

Cụ thể, ổ dịch tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Puku Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An) được phát hiện ngày 11/6, có một công nhân của công ty đi khám bệnh và xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) ghi nhận mắc COVID-19. Sau đó, liên tiếp phát hiện thêm năm ca bệnh đã cách ly từ trước.

Như vậy đến nay, qua nhiều ngày không xuất hiện ca mới, cơ bản ổ dịch này đã kiểm soát được nguồn lây ngoài cộng đồng.

Ổ dịch tại phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An được phát hiện ngày 16/6, có một nhân viên của một công ty xây dựng tại Tòa nhà Sowling Tower (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), sau đó ghi nhận ba bệnh nhân cùng trong một gia đình gồm vợ, chồng và con bệnh nhân mắc COVID-19. Nhưng trải qua nhiều ngày nay, ổ dịch trên không phát sinh thêm ca mắc mới và về cơ bản đã được kiểm soát.

[Bình Dương: Trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 40.000 người]

Ổ dịch tại Chung cư E-Home 4 - phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An xuất hiện từ ngày 13/6, là nhân viên của một công ty tin học trên địa bàn Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh mắc COVID-19. Liên quan đến ca bệnh này, có thêm ba bệnh nhân trong một gia đình gồm vợ, chồng và con cùng mắc COVID-19. Tuy nhiên, gần 10 ngày nay, ổ dịch trên không thêm ca mắc mới và về đã cơ bản được kiểm soát.

Ngoài ra, các ổ dịch khác đến nay không còn khả năng lây lan ra cộng đồng gồm ổ dịch Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An (phát hiện ngày 30/5) và ổ dịch tại Công ty Sản xuất-Thương mại Phúc Đạt (thành phố Dĩ An) được phát hiện ngày 4/6, đến nay cũng không phát sinh ca mắc mới.

Cũng trong ngày 25/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương có công văn hỏa tốc gửi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy móc & Công nghệ Remacro Việt Nam (Công ty Remacro) cho phép mở cửa hoạt động trở lại.

Bình Dương đã chặn đứng được một số nguồn lây tại doanh nghiệp ảnh 2Lực lượng y tế thức trắng đêm xét nghiệm COVID-19 cho khoảng 40.000 người dân ở Bình Dương. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Trước đó, ngày 23/6, huyện Bàu Bàng đã ra quyết định tạm thời phong tỏa công ty này để thực hiện khoanh vùng truy vết và điều tra dịch tễ đối với hơn 300 công nhân đang làm việc tại đây do liên quan đến một trường hợp F1 đang thực hiện cách ly y tế tại nhà ở huyện An Biên, tỉnh Kiêng Giang nhưng tự ý rời khỏi địa phương lên Bình Dương làm công nhân cho công ty trên.

Sau khi phát hiện vụ việc, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng phối hợp với lực lượng phòng, chống dịch thị trấn Lai Uyên đưa trường hợp này đi cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện, lấy mẫu xét nghiệm PCR gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm. Kết quả nam công nhân âm tính; đồng thời qua thực hiện test nhanh kháng nguyên COVID-19 cho hơn 300 công nhân cũng âm tính. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Bàu Bàng cho phép Công ty Remacro hoạt động trở lại 13 giờ ngày 25/6.

Theo ghi nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn một số ổ dịch phức tạp; trong đó phức tạp nhất là ổ dịch tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên (đang được phong tỏa toàn bộ) đã ghi nhận 140 ca mắc COVID-19.

Riêng trong ngày 25/6, tại Bình Dương có thêm 23 trường hợp mắc mới COVID-19 vừa được Bộ Y tế công bố.

Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo mở rộng phạm vi lấy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực xét nghiệm lên 30.000 mẫu/ngày để tập trung khoanh vùng, sớm dập các ổ dịch còn lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục