Bình Dương: Công nhận cây "đoàn kết" 200 năm tuổi là Cây di sản Việt Nam

Nét độc đáo là cây Kơnia được cây Đa ôm chùm lấy thân, tạo nên Cây Di sản có một không hai ở Việt Nam; nhiều bô lão trong phường Tương Bình Hiệp gọi hai Cây Di sản này là cây “đoàn kết.”

Lãnh đạo phường Tương Bình Hiệp cùng các bô lão đứng dưới tán cây Kơnia được cây Đa ôm chùm gốc tạo nên Cây Di sản độc đáo. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Lãnh đạo phường Tương Bình Hiệp cùng các bô lão đứng dưới tán cây Kơnia được cây Đa ôm chùm gốc tạo nên Cây Di sản độc đáo. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 8/3, Ủy ban Nhân dân phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây cổ thụ "cây Kơnia-cây Đa" khoảng 200 năm tuổi tại khuôn viên Di tích Lịch sử cấp tỉnh Đình thần Tương Bình Hiệp.

Nét độc đáo là cây Kơnia được cây Đa ôm chùm lấy thân, tạo nên Cây Di sản có một không hai ở Việt Nam. Nhiều bô lão trong phường Tương Bình Hiệp gọi hai Cây Di sản này là cây “đoàn kết,” bởi chúng gắn bó thân thuộc bên nhau, cùng phát triển và trường tồn với thời gian.

Phường Tương Bình Hiệp nổi tiếng với nghề sơn mài truyền thống, được công nhận là Di sản Phi vật thể Quốc gia. Địa phương còn có 2 Di tích Lịch sử cấp tỉnh là Đình thần Tương Bình Hiệp và Lò lu Đại Hưng.

Qua hàng trăm năm, các khuôn viên di tích trên địa bản có nhiều loại cây cổ thụ quý như Sao, Dầu, Kơnia, câu Đa.... Điển hình là tại khuôn viên Đình Thần Tương Bình Hiệp, có cây Kơnia và cây Đa khoảng 200 năm tuổi.

Ban Quản lý Khu Di tích phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân phường Tương Bình Hiệp đã tiến hành khảo sát thực tế, lập hồ sơ đăng ký đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, xét duyệt công nhận cây Kơna-cây Đa là Cây Di sản Việt Nam.

Đình thần Tương Bình Hiệp được xây dựng vào năm 1888. Cây Kơnia được phát hiện khi xây dụng Đình, lúc đó cây đã cao lớn. Thân cây thẳng tắp sừng sững, vươn cao, có nhiều cành vươn rộng ra bốn phía, các tán cây vươn xa phủ bóng mát cả một khoảng đất rộng; cây có chu vi 4,33m, cao 37m, chiều rộng tán 30-32m. Còn cây Đa có chu vi thân 9,6m, cao 27m, tán rộng 42m. Cây Đa ôm quanh gốc cây Kơnia và phát triển vươn lên.

Cây Kơnia-cây Đa đang được cộng đồng người dân khu phố 2, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bảo vệ nghiêm ngặt. Cây sinh trưởng tốt, hằng năm, cây vẫn ra hoa, kết quả. Không gian xung quanh gốc cây Kơnia-cây Đa rộng rãi, thoáng đãng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Tương Bình Hiệp Trương Thị Kiều Chinh cho biết việc công nhận Cây Di sản góp phần tuyên truyền giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường cây di sản; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ cây cho người dân trong cộng đồng, gắn bảo tồn thiên nhiên cũng như đánh thức tiềm năng tham quan, du lịch văn hóa, quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục