Ngày 17/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư đợt 4 năm 2014 cho 30 dự án, gồm 16 dự án FDI mới 115,1 triệu USD, 13 dự án FDI tăng vốn 89,12 triệu USD và 1 dự án vốn trong nước 448,3 tỷ đồng.
Trong số này, có một số dự án đầu tư mới và lớn như Công ty trách nhiệm hữu hạn Riken Việt Nam (vốn Nhật Bản) 28 triệu USD sản xuất hợp chất nhựa dẻo tổng hợp, nhà máy sản xuất dao cạo râu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Procter & Gamble Đông Dương (Hoa Kỳ) 15 triệu USD...
Các dự án tăng thêm vốn như Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết bị Dầu khí Schoeller Bleckmann Việt Nam (Áo) tăng thêm vốn 15 triệu USD, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phonak Operation Center Việt Nam (Thụy Sĩ) tăng vốn thêm 12,12 triệu USD sản xuất các sản phẩm có liên quan đến thiết bị ghi và phát lại âm thanh hoặc hình ảnh…
Tính đến nay, Bình Dương có 2.375 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 20,38 tỷ USD. Như vậy, cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương là 5 tỉnh thành vượt qua mốc 20 tỷ USD thu hút vốn đầu tư.
Riêng năm 2014, Bình Dương thu hút 1,655 tỷ USD, vượt 65% kế hoạch năm, gồm 151 dự án đầu tư mới 812 triệu USD và 126 dự án tăng thêm vốn 843 triệu USD.
Phát biểu tại lễ trao giấy phép đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, cho biết, trong năm 2015, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng, giao thông, điện…
Đặc biệt, là mở rộng quốc lộ 13, đường ĐT743, nối dài đường Mỹ Phước-Tân Vạn từ thành phố mới đến huyện vùng xa Bàu Bàng, các đường huyện Tân Uyên để kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và các cảng biển.
Đồng thời, sẽ dỡ bỏ một số trạm thu phí trên địa bàn để đảm bảo cho vận chuyển hàng hóa thông thoáng.
Chủ tịch Lê Thanh Cung cũng cam kết, Bình Dương sẽ đảm bảo công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội, đảm bảo an toàn tài sản và các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư cũng như luôn lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư và kịp thời tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp./.