Bình Dương: Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh ở "thủ phủ công nghiệp"

Bình Dương tiếp tục ghi dấu ấn với chiến lược phát triển sản xuất xanh, với chuỗi dự án hàng tỷ USD vốn FDI đang đổ vào, biến nơi đây thành hình mẫu tiên phong về công nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ vai trò “thủ phủ công nghiệp” với nguồn vốn FDI dẫn đầu cả nước, tỉnh Bình Dương, đã tiên phong xây dựng một nền kinh tế bền vững, hướng tới mô hình công nghiệp tuần hoàn và thân thiện với môi trường.

Bình Dương tiếp tục ghi dấu ấn với chiến lược phát triển sản xuất xanh, với chuỗi dự án hàng tỷ USD vốn FDI đang đổ vào, biến nơi đây thành hình mẫu tiên phong về công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Không gian làm việc như công viên

Tại Nhà máy Jakob Sài Gòn, thành phố Tân Uyên, vốn đầu tư Thụy Sỹ, công nhân làm việc trong không gian xanh mát như trong một công viên - nơi gần 40% diện tích đất dành riêng cho cây xanh, gần gấp đôi tiêu chuẩn quy định. Không chỉ vậy, nhà máy tích hợp các giải pháp năng lượng bền vững như hệ thống năng lượng mặt trời 1.599,6kWp và thiết bị hiện đại như máy CNC, máy cắt laser.

Sản xuất tại đây đạt công suất ấn tượng 330.000m dây cáp, 300.000m2 lưới cáp và 4 triệu phụ kiện kim loại mỗi năm. Hiệu quả sản xuất cao, nhưng quy trình đã được áp dụng việc giảm phát thải khí nhà kính, giúp đạt các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Jakob Sài Gòn đã được Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cấp Giấy phép môi trường và trở thành hình mẫu trong ngành công nghiệp xanh của tỉnh.

Ông Trương Văn Phong, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết: “Nhà máy Jakob Sài Gòn là một điển hình về không gian làm việc xanh khi dành tới 39,43% diện tích đất cho cây xanh, gần gấp đôi mức quy định tối thiểu 20%. Không chỉ mang đến môi trường làm việc trong lành, nhà máy còn tạo không gian thư giãn, hài hòa với thiên nhiên, góp phần nâng cao chất lượng làm việc và đời sống tinh thần cho công nhân."

Còn tại khu công nghiệp Bàu Bàng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Polytex Far Eastern, vốn đầu tư 1,37 tỷ USD, áp dụng công nghệ tái chế nhựa và năng lượng sinh học, tạo chuỗi sản xuất tuần hoàn vừa bảo vệ môi trường vừa tối ưu chi phí. Đây là minh chứng rõ nét cho cách doanh nghiệp tại Bình Dương kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm với xã hội.

Đòn bẩy từ dòng vốn quốc tế

Nhà máy Lego có vốn hơn 1,318 tỷ USD, tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore III là minh họa tiêu biểu cho mô hình sản xuất "Net Zero Carbon," sử dụng nhựa sinh học và quy trình sản xuất không phát thải. Đây không chỉ là cột mốc trong ngành công nghiệp đồ chơi mà còn tạo tiêu chuẩn mới về bền vững tại Việt Nam.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn STEC, nhà máy điện tử tiên phong, đã áp dụng công nghệ IoT nhằm tối ưu quy trình sản xuất và tiết kiệm năng lượng. Công ty còn triển khai hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, giảm thiểu tác động môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Những dự án này không chỉ gia tăng giá trị kinh tế mà còn làm thay đổi cách nhìn nhận về phát triển công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất lốp ôtô của Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam tại Khu Công nghiệp Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, ông Kim Hyun Ho, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lốp Kumho Việt Nam, cho biết công ty sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào giai đoạn 3 tại Khu Công nghiệp Mỹ Phước 3. Dự án bao gồm xây dựng nhà máy mới rộng 56.000m2, dự kiến hoàn thành năm 2026, nâng công suất từ 13 triệu lên 18 triệu lốp/năm và áp dụng công nghệ hiện đại để tối ưu sản xuất xanh.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, chính quyền ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hiện đại, ít thâm dụng lao động và thân thiện môi trường. Chiến lược này giúp tỉnh thu hút những dự án đầu tư đạt chất lượng, góp phần phát triển song hành cùng bảo vệ tài nguyên.

Theo ông Trương Văn Phong, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, chính quyền địa phương không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý và quy hoạch, mà còn tạo mọi điều kiện để họ áp dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi đặc biệt khuyến khích và đánh giá cao các dự án có chuỗi giá trị chuyển đổi xanh từ các doanh nghiệp vừa nêu trên, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ đó đủ điều kiện để Ban quản lý cấp giấy phép bảo vệ môi trường,” ông Phong nhấn mạnh.

Thách thức và cơ hội

Tuy nhiên, Bình Dương vẫn đối mặt với những thách thức trong hành trình chuyển đổi. Hiện nay, công nghiệp truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với hơn 2 triệu lao động phổ thông làm việc trên các dây chuyền sản xuất công nghiệp thời đầu. Thực trạng này tạo áp lực trong việc hiện đại hóa hệ thống sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho hay dòng vốn FDI đang có xu hướng đổ về khu vực châu Á, ASEAN và Việt Nam. Đến tháng 10/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 41 tỷ USD. Dự kiến đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ đạt mục tiêu 1,8 tỷ USD vốn FDI, tiếp tục giữ vững vị trí thứ ba cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Bình Dương tiếp tục khẳng định sức hút với các nhà đầu tư quốc tế, khi dòng vốn FDI không ngừng đổ về. Không chỉ là động lực phát triển kinh tế, FDI còn giữ vai trò then chốt, hứa hẹn giúp Bình Dương duy trì vị thế điểm sáng trên bản đồ kinh tế trong năm tới. Đặc biệt, với hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm được khởi công đúng tiến độ, tỉnh sẽ có thêm những cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội và mở ra nhiều cơ hội đột phá.

“Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, Bình Dương cần tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đẩy nhanh chuyển dịch sang nền kinh tế xanh theo định hướng đã đề ra…,” ông Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục