Bình Dương: 40 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển mới 9.000 lao động

Nhiều doanh nghiệp thuộc ngành điện tử, thực phẩm, may mặc tại tỉnh có nhu cầu tuyển mới 9.000 lao động và các ngành chức năng đang tích cực hỗ trợ, kết nối để người lao động liên hệ ứng tuyển.
Bình Dương: 40 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển mới 9.000 lao động ảnh 1 (Ảnh minh họa. PV/Vietnam+)

Bình Dương hiện có khoảng 37.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động và trên 250.000 lao động giảm giờ làm.

Trước tình hình này, tỉnh đang khẩn trương triển khai các hoạt động hỗ trợ chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động cũng như các giải pháp chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp địa phương gặp khó khăn bởi giá nguyên vật liệu biến động, không có đơn hàng mới, đơn hàng cũ bị hủy. Vì vậy, doanh nghiệp phải sắp xếp cho người lao động giảm giờ làm, nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết Sở đẩy mạnh công tác thông tin về thị trường lao động, tăng cường việc nắm bắt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để kết nối cung cầu, tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Đồng thời, ngành thực hiện hiệu quả các chế độ hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm giúp người lao động sớm tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống; đẩy mạnh tư vấn để lao động tận dụng cơ hội học nghề nâng cao trình độ, chuẩn bị tốt các kỹ năng khi thị trường tuyển dụng khởi sắc trở lại. Hiện có 40 doanh nghiệp thuộc ngành điện tử, thực phẩm, may mặc tại tỉnh có nhu cầu tuyển mới 9.000 lao động. Các ngành chức năng đang tích cực hỗ trợ, kết nối để người lao động liên hệ ứng tuyển.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nêu rõ với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục kiện toàn tổ công tác chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp và đề ra những giải pháp cụ thể.

Ông Võ Văn Minh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương phối hợp truyền thông để người lao động đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; tập trung chăm lo ổn định đời sống cho người lao động. Ngành Thuế cần thực hiện hiệu quả Nghị định số 91/2022/NĐ-CP, Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ giảm thuế cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; tăng cường tiếp cận sâu khách hàng, ghi nhận các khó khăn, vướng mắc để giải quyết hoặc xử lý ngay, kịp thời; đẩy mạnh các chính sách cho vay, gói sản phẩm cho vay.

[Bình Dương: Hỗ trợ công nhân bị giảm giờ làm, chăm lo Tết cho lao động]

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm đơn hàng sản xuất, giúp người lao động có việc làm.

Sở Công Thương tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh mở rộng xúc tiến thương mại tại một số thị trường đông dân như Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương. Đồng thời, ngành đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh nhằm kết nối với 170 Trung tâm thương mại trên thế giới để tìm kiếm cơ hội.

Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành tiến hành thống kê, rà soát tình hình lao động ở các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để có hướng điều tiết các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động sang các doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng.

Các cơ quan chức năng tăng cường, chủ động nắm chắc tình hình, kiểm tra chế độ liên quan đến chính sách lao động, bảo hiểm xã hội cho người lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết Nguyên đán; kịp thời phát hiện và có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm đơn hàng, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ doanh nghiệp không có mặt tại đơn vị hoặc giải thể, phá sản.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết Liên đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết sớm, sẽ triển khai hoàn tất trong tháng 12. Đơn vị sẽ triển khai phiên chợ Tết Công đoàn của tỉnh, mỗi người lao động khó khăn được Công đoàn hỗ trợ 500.000 đồng (dự kiến có khoảng 100.000 suất quà hỗ trợ cho người lao động).

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn vận động nguồn lực để chăm lo hỗ trợ cho người lao động phải giảm giờ làm, tạm hoãn lao động. Đối với người lao động có nhu cầu về quê đón Tết, công đoàn sẽ hỗ trợ vé xe, tàu.

Liên đoàn Lao động tỉnh kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động có các chính sách hỗ trợ cho người lao động đang gặp khó khăn, các gói vay vốn cho công nhân để tránh bị rơi vào bẫy "tín dụng đen"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục