Ông Phan Trọng Hổ, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2014, tỉnh Bình Định sẽ nghiên cứu và ứng dụng thực hiện 16 mô hình công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Lĩnh vực thủy sản tổ chức thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng; mô hình nuôi cua lột trong hộp; trồng rong nho trong giàn che theo hướng xuất khẩu; ương giống tôm thẻ chân trắng; nuôi tôm, cá theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Trong lĩnh vực chăn nuôi có các mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, với công nghệ sử dụng tinh đông lạnh trong thụ tinh nhân tạo; mô hình nuôi lợn, gà công nghệ cao.
Tong lĩnh vực trồng trọt và lâm nghiệp thực hiện các mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh để cung cấp cho thành thị; trồng nấm ăn và chế biến dược liệu; trồng hoa lan theo phương pháp cắt cành và lan chậu; trồng rau ăn lá và hoa có giá trị trên đất cát pha; mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, túi giá để sản xuất rau, quả chịu nhiệt trong nhà lưới như: cà chua, dưa leo, mướp đắng và mô hình ứng dụng nhân nuôi nấm xanh Metarhizium phòng trừ sâu hại nấm Trichodema trừ một số nấm bệnh trên cây trồng.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một số lĩnh vực nông nghiệp bước đầu cho hiệu quả tốt như lai tạo đạt từ 60-70 % tổng đàn bò và đàn lợn thịt chất lượng cao; nhiều mô hình trồng rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP tại huyện Tây Sơn và Tuy Phước và mô hình sản xuất cây giống lâm nghiệp theo phương pháp cấy mô để trồng hàng nghìn ha rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh./.