Ngày 20/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Nhơn (Bình Định) Cao Thanh Thương cho biết Công an huyện Hoài Nhơn đã xác minh và khẳng định chưa có dấu hiệu bắt cóc trẻ em như thông tin “bắt cóc trẻ em” trên một số báo và mạng xã hội.
Vụ việc bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 19/5, một đối tượng ban đầu tình nghi hai người đi xe ôtô bắt cóc trẻ em nên đã chặn xe, dùng đá định hành hung. Vụ việc bị đẩy lên cao khi có hàng trăm người dân tụ tập, nhiều người dùng điện thoại quay và tung tin "bắt cóc trẻ em" gây mất trật tự.
Mặc dù Công an huyện Hoài Nhơn đã làm việc, xác minh chưa có dấu hiệu bắt cóc trẻ em, nhưng vẫn có người bị hành hung. Một số người dân đã quay video đăng tải lên mạng xã hội và đưa ra những lời bình gây dư luận thất thiệt về việc "bắt cóc trẻ em."
Ngày 19/5, Trưởng Công an huyện Hoài Nhơn - Đại tá Võ Văn Thạnh đã ký văn bản số 657/CAH-CSHS báo cáo kết quả xác minh ban đầu tin báo "bắt cóc trẻ em" với nội dung nêu rõ sáng 19/5, ông Nguyễn Thái Định (sinh năm 1979) đi xe ôtô biển kiểm soát 89A-101.84 chở bà Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1979) cùng trú thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đi theo hướng Bắc-Nam trên Quốc lộ 1 để đến nhà bà Lê Thị Kế (sinh năm 1969), ở số nhà 595 Nguyễn Thái Học, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) để trao đổi việc mua bán lúa gạo.
Khi đi ngang qua nhà bà Lê Thị Yến Oanh (sinh năm 1992), thôn Tài Lương 1, xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn) thì nhìn thấy lúa đang phơi, nên ông Định và bà Hằng quay xe lại hỏi mua lúa. Lúc này bà Oanh đang cho con là Nguyễn Lê Hoàng Khải (29 tháng tuổi) ăn sáng. Ông Định ngồi trên xe còn bà Hằng xuống xe đến hỏi mua lúa thì bà Oanh nói: “Làm lúa ít để ăn, không bán.”
Bà Hằng quay về lên xe ôtô thì anh Nguyễn Vinh Quang (sinh năm 1982), trú thôn Tài Lương 1, xã Hoài Thanh Tây là em chồng của bà Oanh đi đến chặn đầu xe ôtô của ông Định và bà Hằng. Ông Định xuống xe cầm một nắm lúa trên tay và hỏi: “Ở đây có bán lúa không?” Quang trả lời: “Lúa gì bán!” Nói xong Quang nhặt một cục đá và quát: “Đứng lại chứ lúa gì mà bán?” Bà Hằng sợ quá chắp tay xin: “Anh tha cho em!” Quang cầm đá kê vào bánh trước xe ôtô rồi nói: “Mày vào nhà bắt cóc trẻ em à!”
[Thực hư thông tin một phụ nữ "bắt cóc trẻ em" ở Bình Phước]
Lúc này có nhiều người dân đi đường dừng lại xem, Quang gọi điện báo cho Công an xã Hòa Thành Tây. Ông Định cũng gọi điện thoại cho người quen là bà La Thị Trường (sinh năm 1965), trú thôn Cửu Lợi Bắc, xã Tam Quang Nam (Hoài Nhơn) để cầu cứu xác minh. 15 phút sau bà La Thị Trường đến hiện trường xác minh ông Định và bà Hằng là người quen, thường mua bán, vận chuyển vi cá cho bà nhiều năm qua. Tuy vậy, nhiều người dân địa phương không chấp thuận.
Sau đó Công an huyện Hoài Nhơn đã cùng Công an xã Hoài Thanh Tây đưa bà Hằng và ông Định đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, mời bà La Thị Trường đến làm việc xác minh bà Hằng và ông Định có phải là người quen mua bán với bà hay không. Bà Lê Thị Kế cũng từ Quy Nhơn đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã và trình bày bà Hằng là người mua bán lúa gạo với bà trong bốn năm qua.
Công an huyện Hoài Nhơn cũng kiểm tra, xác minh nơi cư trú của ông Định và bà Hằng do Công an thị trấn Yên Mỹ cung cấp, chứng nhận bà Hằng là người làm nghề mua bán lúa gạo và chưa có tiền án tiền sự.
Tuy vậy, ngay tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Hoài Thanh Tây, khoảng 500 người dân quá khích xông vào đòi đánh ông Định, bà Hằng và bà Trường. Khi bà Trường làm việc xong ra về thì bị một số người dân xông vào đánh không cho ra khỏi trụ sở xã.
Công an huyện Hoài Nhơn đã cùng các ban, ngành, đoàn thể xã Hoài Thanh Tây giải thích, vận động nhưng người dân không đồng tình. Đến 11 giờ cùng ngày, Công an huyện Hoài Nhơn đã phải điều xe đặc chủng đến chở ông Định và sau đó chở cả bà Hằng, bà Trường về Công an huyện. Ngay lúc ra xe đặc chủng, bà Trường vẫn bị một số đối tượng lao vào hành hung gây thương tích ở mắt và miệng.
Công an huyện Hoài Nhơn khẳng định qua xác minh ban đầu vụ việc chưa có dấu hiệu của hành vi "bắt cóc trẻ em" và báo cáo Giám đốc Công an tỉnh Bình Định xử lý dứt điểm vụ việc này./.