Bình Định: Tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nằm bờ, ngư dân lâm nợ

Tất cả tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần ở Bình Định đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) đang “đắp chiếu” nằm bờ, ngư dân lâm nợ.
Tàu dịch vụ hậu cần BĐ 99569 TS của ông Nguyễn Đức Hưng, trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cũng neo ở cảng Đề Gi đã 8 tháng nay. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Tất cả tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần ở Bình Định đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) đang “đắp chiếu” nằm bờ và ngư dân lâm nợ.

Ông Đỗ Công Quý, trú xã Cát Khánh, ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, chủ tàu chủ tàu BĐ 99888 TS chia sẻ, cuối năm 2016, ông đóng con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Công ty Nam Triệu với giá gần 15 tỷ đồng.

Trong chuyến đi biển đầu tiên, ông mua được nhiều cá, nhưng khi về bờ, cá bị thối rữa, hư hỏng do hầm không rút được nước và lỗ mất cả tỷ đồng.

Sau khi sửa chữa lại hầm cá, ông Quý đi chuyến biển thứ hai, tàu hỏng máy phải thuê tàu khác kéo vào cảng nên con tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần của ông Quý phải nằm bờ từ tháng 4/2017 cho đến tháng Tư vừa qua mới sửa xong.

Chiếc tàu hậu cần BĐ 99479 TS của ông Nguyễn Đức Hưng, trú xã Cát Khánh ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định neo ở cảng Đề Gi đã 7 tháng nay.

[Khai thác và chế biến thủy sản, phát huy tiềm năng biển đảo Việt Nam]

Theo chương trình Nghị định 67, năm 2016, ông Hưng vay vốn ngân hàng 17 tỷ đồng, cộng với vốn đối ứng của gia đình 1 tỷ đồng đóng mới con tàu dịch vụ hậu cần công suất 880CV. Tuy nhiên, sau 3 chuyến đi biển, ông Hưng thua lỗ hơn 300 triệu đồng.

Tương tự, con tàu dịch vụ hậu cần BĐ99569 TS của ông Lê Văn Mi, trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có công suất 880CV. Sau 3 chuyến đi biển, ông Mi lỗ hơn 400 triệu đồng, đành để tàu nằm “đắp chiếu” ở cảng Đề Gi suốt 8 tháng qua.

Theo Nghị định 67, tỉnh Bình Định được phân bổ chỉ tiêu đóng mới 305 tàu; trong đó, có 25 tàu dịch vụ hậu cần. Đến nay, tỉnh này mới đóng được 3 chiếc và cả 3 chiếc đều làm ăn thua lỗ, phải nằm bờ trong thời gian dài.

Theo các chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, nguyên nhân làm ăn không hiệu quả vì thời gian qua các “tàu con” (tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67) bị hư hỏng phải nằm bờ suốt cả năm trời, buộc “tàu mẹ” cũng phải nằm bờ.

Bên cạnh đó, nhiều tàu vỏ thép nghề vây rút sau khi hư hỏng, hoặc làm ăn không có hiệu quả đều đã xin cải hoán thành nghề mành chụp. Do đó, tàu dịch vụ hậu cần cũng không thể thu mua hải sản và bán xăng dầu, nhu yếu phẩm được nữa.

Đến nay, những con tàu vỏ thép hư hỏng đã sửa chữa xong, nhưng các chủ này lại không muốn bán cá lại cho tàu dịch vụ hậu cần.

Vậy là các con tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần ở Bình Định lâm cảnh "dở khóc, dở cười" khi tiếp tục trùm mền, còn chủ tàu lâm vào cảnh nợ nần, chưa có lối thoát.

Chủ các tàu này có nguyện vọng được chuyển đổi từ tàu dịch vụ hậu cần sang làm nghề mành chụp nhưng rất khó khăn. Muốn cải hoán từ tàu dịch vụ hậu cần sang làm nghề mành chụp phải mất từ 4-5 tỷ đồng mà thủ tục rất rườm rà.

“Khó khăn nhất vẫn là ngân hàng không chấp nhận cho vay thêm tiền để cải hoán tàu. Trong khi đó, toàn bộ tài sản đã cầm cố để nuôi tàu, giờ không còn gì có thể thế chấp được nữa,” ông Nguyễn Đức Hưng cho biết.

Hiện ông Hưng đã nợ quá hạn một quý với số tiền 400 triệu đồng. Trong khi đó, ông Lê Văn Mi nợ quá hạn gần 700 triệu đồng, chưa được ngân hàng cho khoanh nợ.

Trao đổi với TTXVN, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định cho biết, Sở chưa nhận được đơn đề nghị chuyển đổi, cải hoán của chủ tàu dịch vụ hậu cần.

"Khó khăn nhất hiện nay là các chủ tàu phải thuyết phục được ngân hàng tiếp tục cho vay vốn để cải hoán, bởi số tiền quá lớn. Nếu ngân hàng đồng ý cho vay, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân được thực hiện theo nguyện vọng,” ông Hổ chia sẻ.

Theo ông Hổ, việc chuyển đổi từ tàu dịch vụ hậu cần sang tàu đánh bắt là rất khó khăn, vừa tốn khoản tiền rất lớn, vừa không đáp ứng được quy hoạch đội tàu cá hiện đại hoạt động theo chuỗi.

Tới đây, Sở sẽ làm việc với chủ các tàu dịch vụ hậu cần và chủ các tàu con để tìm cách giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn. Các ngành chức năng mong muốn hình thành tổ đội "tàu mẹ-tàu con," tạo điều kiện để các tàu hậu cần hoạt động có hiệu quả kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục