Bình Định: Kiểm tra vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại huyện Phù Mỹ

Lực lượng chức năng phát hiện người dân lấn chiếm 9,92ha đất rừng quy hoạch chức năng sản xuất và chức năng phòng hộ để trồng cây keo lai, đồng thời lấn chiếm, chặt phá 1,59ha đất rừng tự nhiên.
Bình Định: Kiểm tra vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại huyện Phù Mỹ ảnh 1Người dân chặt phá cây rừng để trồng keo. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Ngày 13/7, Chi cục Kiểm lâm vùng IV thuộc Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp đã đi kiểm tra hiện trường tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (Bình Định) và có buổi làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ về vụ việc lấn chiếm đất rừng, chặt phá cây rừng tại khu vực này.

Báo cáo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ nêu rõ sau khi có chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm Bình Định và Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng, Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Hiệp kiểm tra hiện trường tại khoảnh 2a, tiểu khu 208.

Lực lượng chức năng phát hiện người dân lấn chiếm 9,92ha đất rừng quy hoạch chức năng sản xuất và chức năng phòng hộ để trồng cây keo lai, đồng thời lấn chiếm, chặt phá 1,59ha đất rừng tự nhiên để trồng xen cây keo lai, tổng cộng 11,51ha.

Đối với 1,59ha rừng tự nhiên bị lấn chiếm, chặt phá để trồng keo lai, qua kết quả trưng cầu giám định, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ xác định diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá cây rừng là 0,63ha, diện tích rừng tự nhiên bị lấn chiếm (không có chặt phá cây rừng) là 0,96ha.

Trong 0,63ha diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá cây rừng, ông Châu Thanh Vương (sinh năm 1989, trú tại thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) thừa nhận đã chặt phá 0,13ha. Diện tích còn lại, Hạt Kiểm lâm chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Đối với 0,96 ha rừng tự nhiên bị lấn chiếm để trồng keo, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ xác định người thực hiện là ông Châu Thanh Vương.

Đối với 9,92ha đất rừng được quy hoạch chức năng sản xuất và chức năng phòng hộ, qua kiểm tra, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ xác định được một số hộ dân sinh sống tại địa phương lấn chiếm. Đây là diện tích đất do Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Hiệp quản lý.

Do vậy, Hạt đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường xác lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Ông Ngô Khánh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bình Định cho biết ngày 12/7, Hạt Kiểm lâm huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Châu Thanh Vương trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Quyết định nêu rõ tháng 9/2021, ông Châu Thanh Vương đến lô 9 và lô 23, tiểu khu 208, xã Mỹ Hiệp dùng rựa, rìu phát dọn dây leo, bụi rậm, chặt cây gỗ trái pháp luật trên diện tích 0,13ha rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng, chức năng phòng hộ khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

[Vụ phá rừng tại huyện Phù Mỹ: Cán bộ xã có tham gia hay không?]

Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ xử phạt hành chính ông Vương 5 triệu đồng vì hành vi trên và buộc khắc phục hậu quả trồng lại rừng đến khi thành rừng theo đúng chức năng phòng hộ. Mọi chi phí tổ chức thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do ông Vương hoàn trả với số tiền trên 8,5 triệu đồng.

Ông Ngô Khánh Toàn cho biết đối với diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá chưa có người nhận, đơn vị đang xác minh đối tượng vi phạm. Trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm, đơn vị sẽ đề xuất Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo lực lượng nhổ bỏ cây keo lai để trồng lại cây rừng tự nhiên theo đúng chức năng phòng hộ.

Ông Tô Xuân Đam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Hạt Kiểm lâm Phù Mỹ nhanh chóng điều tra, xác minh đối tượng còn lại thực hiện việc xâm lấn, chặt phá cây rừng tự nhiên để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Đối với diện tích đất rừng được quy hoạch chức năng sản xuất và chức năng phòng hộ, mặc dù người dân lấn chiếm để trồng keo lai nhưng ngay từ đầu Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Hiệp không kiểm tra, xác lập hồ sơ, xử lý mà để nhân dân trồng cây được nhiều năm tuổi. Do vậy, việc xử lý phải được cơ quan chức năng và địa phương thực hiện theo đúng quy định nhưng cũng cần hợp lý, hợp tình.

Cơ quan chức năng và địa phương có thể giải quyết theo hướng chuyển từ rừng sản xuất của người dân đã trồng trở thành rừng phòng hộ theo đúng chức năng quy hoạch, sau đó giao khoán lại cho người dân để bảo vệ, chăm sóc và thu hoạch cây rừng theo đúng quy định, vừa đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân vừa giữ được cây rừng, sử dụng đất rừng đúng quy hoạch.

“Hiện nay, ở nhiều địa phương, diện tích đất rừng trên thực tế chưa được rõ ràng về ranh giới, vị trí, diện tích. Một số diện tích rừng có trữ lượng ít hay rừng nghèo kiệt dẫn đến tình trạng người dân dễ dàng lấn chiếm. Để quản lý được đất rừng, cơ quan chức năng phải xác định rõ diện tích, vị trí, ranh giới, sau đó giao cho các chủ rừng hoặc đơn vị quản lý để thực hiện việc trồng rừng đảm bảo, tránh được tình trạng người dân lấn chiếm," ông Tô Xuân Đam nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục