Bình đẳng giới - nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay có chủ đề “Bình đẳng giới hôm nay vì một ngày mai bền vững,” với mục đích ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.
Phụ nữ và trẻ em di chuyển trên đường phố tại Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các số liệu của Liên hợp quốc, 70% trong số 1,3 tỷ người sống trong cảnh nghèo đói trên thế giới là phụ nữ. Tại khu vực thành thị, 40% số hộ nghèo nhất do phụ nữ làm chủ hộ.

Dù là nhân lực chính trong sản xuất lương thực trên thế giới, ở mức từ 50-80%, nhưng phụ nữ lại chỉ sở hữu chưa đến 10% đất đai.

Trong khi đó, 80% trong số những người phải di cư do các thảm họa và thay đổi liên quan đến khí hậu trên thế giới là phụ nữ và trẻ em gái.

Còn theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động trên toàn cầu không có cơ hội kinh tế bình đẳng. Chỉ có 118/194 nền kinh tế thế giới đảm bảo 14 tuần nghỉ phép có lương cho các bà mẹ. 178 nước vẫn duy trì các rào cản pháp lý ngăn cản sự tham gia đầy đủ của phụ nữ đối với các hoạt động kinh tế.

Khoảng cách thu nhập trọn đời dự kiến giữa nam giới và nữ giới trên toàn cầu lên tới 172.000 tỷ USD, gấp 2 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của cả thế giới.

Những con số trên phần nào cho thấy sự chênh lệch và bất bình đẳng mà “một nửa thế giới” đang phải đối mặt trong xã hội ngày nay. Đặc biệt, sự bất bình đẳng giới càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.

Chẳng hạn, tại Ấn Độ, khoảng 47% phụ nữ đã mất việc làm khi đại dịch bùng phát, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 7%. Ngoài chịu ảnh hưởng về kinh tế, năm ngoái, Ấn Độ còn ghi nhận số vụ bạo lực gia đình cao nhất trong vòng 21 năm qua.

[UN Women: Đặt phụ nữ, trẻ em gái vào trung tâm của việc ra chính sách]

Trước thực trạng này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: “Phụ nữ đã dũng cảm đương đầu với đại dịch COVID-19, ở vai trò là những người bác sỹ, y tá, nhân viên y tế công hay nhân viên chăm sóc xã hội. Nhưng đồng thời, phụ nữ và trẻ em gái cũng là đối tượng đầu tiên mất việc làm và không được đến trường, phải đảm nhận nhiều công việc không được trả lương, cũng như đối mặt với sự gia tăng chóng mặt của tình trạng lạm dụng trên mạng, trong gia đình và tảo hôn.”

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), bà Audrey Azoulay cũng cho rằng ngay cả trước đại dịch, ước tính thế giới cần tới một thế kỷ để thu hẹp khoảng cách giới và giờ đây chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để xoay chuyển tình hình.

Người tị nạn tại thị trấn Kousseri, Cộng hòa Chad. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không chỉ COVID-19, các cuộc khủng hoảng khác như biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến phụ nữ. Nếu đại dịch kéo lùi những tiến triển trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới, biến đổi khí hậu gây ra những tác động ngày càng rõ rệt đối với cuộc sống và sinh kế của phụ nữ.

Tại Kenya, nơi phụ nữ chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, các đợt hạn hán kéo dài đang ảnh hưởng đến sinh kế của họ.

“Mẹ tôi thường làm nông theo cách truyền thống, bà trồng đậu và ngô. Năm 2020, hạn hán làm cây trồng khô kiệt. Năm 2021, chuyện tương tự xảy ra. Mọi thứ chúng tôi trồng đều khô héo. Chúng tôi lại quay trở về con số 0.”

Đây là tâm sự của chị Julia Nyambura, một nông dân ở hạt Laikipia thuộc tỉnh Rift Valley - một trong 23 vùng dễ bị hạn hán nhất tại Kenya. Laikipia có hơn 80% diện tích là các vùng đất khô hạn, song những năm gần đây, các trận mưa ngày càng ít xuất hiện hơn và không theo quy luật, dẫn đến hạn hán kéo dài, làm giảm năng suất sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ở Laikipia, chị Nyambura đã nghiên cứu và lắp đặt một hệ thống thu gom nước, đa dạng hóa các loại cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn, đầu tư vào các loại gia súc mới để tìm lợi nhuận.

Các biện pháp canh tác thông minh của những phụ nữ như chị Nyambura đang là giải pháp để bảo vệ an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sinh kế cho nhiều người dân. Nó cũng chứng minh cho những đóng góp và thành công của phụ nữ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đó cũng là lý do Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay có chủ đề “Bình đẳng giới hôm nay vì một ngày mai bền vững,” với mục đích ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, những người đang đi đầu trong công tác thích ứng, giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Trong thông điệp nhân ngày Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đã nhấn mạnh: “Những ý tưởng, sáng kiến, hành động và sự lãnh đạo của phụ nữ đang thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn.”

Theo ông, “chúng ta cần hành động ngay để thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, thông qua việc đảm bảo chất lượng giáo dục để mỗi trẻ em gái có thể xây dựng cuộc sống mình mong muốn; thông qua các khoản đầu tư lớn và đào tạo để phụ nữ có công việc tử tế; thông qua hành động hiệu quả để chấm dứt bạo lực giới; thông qua các biện pháp như hạn ngạch giới để tất cả chúng ta được hưởng lợi ích từ những sáng kiến, kinh nghiệm và sự lãnh đạo của nữ giới trong việc đưa ra các quyết định.”

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh “chúng ta không thể thoát khỏi đại dịch COVID-19 nếu bình đẳng giới bị kéo lùi.”

Đồng quan điểm, phát biểu tại một sự kiện được tổ chức nhân Ngày Quốc tế phụ nữ, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho rằng bình đẳng giới phải là trọng tâm của nỗ lực xây dựng lại xã hội sau khủng hoảng COVID-19.

Theo bà, những đóng góp to lớn của nữ giới trong việc giải quyết đại dịch đã khiến Scotland đang trên con đường trở lại cuộc sống bình thường và tự do hơn rất nhiều. Trong hơn hai năm qua, thế giới đã thay đổi rất nhiều và ở một số khía cạnh, thế giới sẽ không bao giờ trở lại như trước đại dịch.

Thủ hiến Sturgeon nhấn mạnh cần phải rút ra những bài học từ đại dịch và cùng xây dựng một xã hội công bằng hơn, dựa trên những đóng góp to lớn của phụ nữ không chỉ trong việc đối phó với đại dịch mà còn trong cuộc sống thường ngày.

Trong khi đó, bà Mari Pangestu, Giám đốc điều hành Chính sách Phát triển và đối tác của WB, khẳng định khi thế giới đang hướng đến sự phát triển xanh, bền vững và bao trùm, các nước cần đẩy nhanh việc cải cách luật pháp để phụ nữ có thể phát huy hết tiềm năng, được hưởng các lợi ích đầy đủ và công bằng.

Việt Nam được đánh giá rất cao trong công tác bình đẳng giới tại Đông Nam Á, với tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công tác xã hội, chính trị, kinh tế và đặc biệt là công tác quản lý nhà nước cao nhất trong khu vực.

Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ từ ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính. Năm 2021 ghi dấu ấn đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam, với việc Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay.

Chính phủ cũng ra nghị quyết ban hành Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Lần đầu tiên, trong một chương trình mục tiêu quốc gia có dự án chuyên biệt về bình đẳng giới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác đều thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

Có thể khẳng định phụ nữ đã và đang có những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, cộng đồng và toàn xã hội...

Sự tham gia chủ động và tích cực của những người phụ nữ trở thành yếu tố không thể thiếu, là nền tảng trên con đường hướng tới một xã hội phát triển thịnh vượng và bền vững trong tương lai. Bởi vậy, mọi nỗ lực để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn đều cần đặt bình đẳng giới ở trọng tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục