Bình đẳng giới để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Với việc phụ nữ chiếm tới 51% dân số thế giới, tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí cao cần phải đạt từ 30-40% để đảm bảo tiếng nói lớn hơn trong các quyết sách về biến đổi khí hậu.
Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cần có thêm phụ nữ giữ những chức vụ quan trọng tại các tổ chức đa phương để giúp giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt liên quan tới tới các quyết định hỗ trợ tài chính.

Đây là một trong những khuyến nghị của một nhóm hành động môi trường trình bày tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) trong ngày 3/11.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tối 1/11, bà Amanda Blanc - Giám đốc điều hành hãng bảo hiểm Aviva và cũng là Chủ tịch Nhóm Phụ nữ hành động vì tài chính khí hậu, cho biết khoảng 80% số những người chịu các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu như di rời chỗ ở là phụ nữ, song hiện chỉ 19% thành viên các ban lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) là nữ giới.

Theo bà Blanc, với việc phụ nữ chiếm tới 51% dân số thế giới, tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí cao cần phải đạt từ 30-40% để đảm bảo họ có được sự hiện diện và tiếng nói lớn hơn trong các thể chế quan trọng ra các quyết sách lớn về hỗ trợ tài chính liên quan tới tình trạng khí hậu.

[Nữ hoàng Anh kêu gọi hành động chung đối phó với khủng hoảng khí hậu]

Hiện Nhóm Phụ nữ hành động vì tài chính khí hậu cũng đang tìm kiếm một khuôn khổ toàn cầu trong việc thống kê dữ liệu và số liệu về giới để giúp đưa ra những quyết định đầu tư liên quan đến khí hậu cũng như cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của phụ nữ và bình đẳng giới trong các kế hoạch về khí hậu của các chính phủ.

Nhóm có nhiều thành viên nổi tiếng như Sarah Breeden - Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Anh, Irina Ghaplanyan - cố vấn cấp cao WB, hay Tanya Steele - Giám đốc điều hành của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên hoang dã tại Anh (WWF UK).

Nội dung báo cáo của nhóm nhấn mạnh đến câu chuyện của Nafika, người mẹ của 7 đứa con, ở làng Mgwase, Tanzania, như một ví dụ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến phụ nữ  - trụ cột kinh tế trong gia đình ở các nước đang phát triển.

Thu nhập từ trồng ngô, rau, hành và cà chua của cô đã giảm tới 90% do tình hình hạn hán tồi tệ trong 3 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục