Ngày 18/8, Thủ tướng Mali Boubou Cisse đã kêu gọi các binh sỹ tham gia binh biến ở thủ đô Bomaka bình tĩnh và đối thoại với chính phủ để cùng tìm giải pháp.
Trong thông báo, Thủ tướng Cisse nhấn mạnh không có lý do gì để tiến hành cuộc binh biến mà những "hậu quả khó lường" của nó có thể gây tổn hại đất nước. Ông đồng thời kêu gọi các binh sỹ hạ vũ khí.
Trước đó cùng ngày, các binh sỹ Mali đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bomaka, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Mali xác nhận Tổng thống Keita và Thủ tướng Cisse bị giam giữ tại căn cứ quân sự ở thị trấn Kati. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sỹ bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội.
Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã lên án cuộc binh biến ở Mali và tuyên bố sẽ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có trừng phạt tài chính.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong một tuyên bố, ECOWAS yêu cầu các bên liên quan ở Mali ưu tiên đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời hối thúc các binh sỹ lập tức quay trở lại doanh trại. Tuyên bố khẳng định ECOWAS sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp ở Mali. Theo đó, các quốc gia thành viên của ECOWAS sẽ đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với Mali và yêu cầu áp đặt trừng phạt các đối tượng tham gia binh biến. Tổ chức này cũng cho biết sẽ tạm thời loại Mali khỏi các cơ quan hoạch định chính sách.
[Binh biến ở Mali: Tổng thống Boubacar Keita buộc phải từ chức]
Cùng ngày, Pháp và Mỹ cũng ra tuyên bố riêng rẽ bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ binh biến ở Mali. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc thảo luận với những người đồng cấp Nigeria, Côte d'Ivoire và Senegal về cuộc khủng hoảng ở Mali, trong đó bày tỏ "sự ủng hộ hoàn toàn đối với nỗ lực trung gian hòa giải của các quốc gia Tây Phi."
Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ tại khu vực Sahel, ông J. Peter Pham, cho biết Mỹ phản đối bất cứ sự thay đổi nào "không phù hợp với hiến pháp" ở Mali.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã yêu cầu "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện" Tổng thống Mali Boubacar Keita và các thành viên trong chính phủ của ông. Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) cũng đã lên án “âm mưu đảo chính” ở Mali.
Dự kiến, Hội đồng bảo an LHQ sẽ nhóm họp trong ngày 19/8 để thảo luận tình hình Mali theo đề xuất của Pháp và Niger./.