Binh biến ở Mali: Quốc tế gia tăng sức ép với lực lượng đảo chính

Algeria phản đối cuộc đảo chính; Côte d'Ivoire đình chỉ toàn bộ quan hệ kinh tế và tài chính với Mali, trong khi các thành viên ECOWAS tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với quốc gia châu Phi này.
Binh sỹ Mali tới quảng trường Độc lập ở thủ đô Bamako sau khi nổ ra cuộc binh biến do một nhóm binh sỹ tiến hành, ngày 18/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Mali tới quảng trường Độc lập ở thủ đô Bamako sau khi nổ ra cuộc binh biến do một nhóm binh sỹ tiến hành, ngày 18/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sức ép quốc tế đối với lực lượng tiến hành đảo chính tại Maili gia tăng sau khi Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita ngày 18/8 buộc phải tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội ở quốc gia Tây Phi này.

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, ngày 19/8, Bộ Ngoại giao Algeria đã bày tỏ phản đối cuộc đảo chính ở nước láng giềng Mali, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử phủ hợp với Hiến pháp của nước này.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Algeria khẳng định lập trường phản đối bất kỳ sự thay đổi chính phủ nào đi ngược lại Hiến pháp.

Tuyên bố nêu rõ Algeria rất quan tâm diễn biến chính trị tại Mali vì hai nước có 1.400km đường biên giới chung.

Algiers kêu gọi tất cả các bên có liên quan tại Mali tôn trọng quy định của Hiến pháp và quay lại đàm phán để nhanh chóng chấm dứt khủng hoảng. Bầu cử là cách thức hợp pháp duy nhất để thay đổi chính quyền.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Côte d'Ivoire đã ra chỉ thị đình chỉ toàn bộ quan hệ kinh tế và tài chính với Mali. Bộ này cho biết quyết định trên được áp dụng đối với tất cả các ngân hàng và cơ quan tài chính của nước này.

Động thái trên của Côte d'Ivoire phù hợp với quyết định của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhằm ngăn chặn dòng chảy tài chính sau cuộc binh biến ở Mali.

Trước đó, ECOWAS tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự Hiến pháp ở Mali. Theo đó, các quốc gia thành viên của ECOWAS sẽ đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với Mali và yêu cầu áp đặt trừng phạt các đối tượng tham gia binh biến.

Tổ chức này cũng cho biết sẽ tạm thời loại Mali khỏi các cơ quan hoạch định chính sách.

Dự kiến, trong ngày 20/8, ECOWAS sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh bất thường để thảo luận về tình hình chính trị-xã hội ở Mali.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong số những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới lên án cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Keita tại Mali - quốc gia đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực do Pháp dẫn đầu nhằm đẩy lùi các phần tử Hồi giáo cực đoan tại vùng Sahel.

Trên tài khoản Twitter ngày 19/8, ông Macron nhấn mạnh "cuộc chiến chống các nhóm khủng bố và việc bảo vệ dân chủ cũng như pháp quyền là hai vấn đề không thể tách rời."

Nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi "trao trả quyền lực cho người dân," cũng như tạo điều kiện cho việc "khôi phục trật tự Hiến pháp," đồng thời hối thúc trả tự do cho Tổng thống và Thủ tướng Mali.

[Mali: Đại tá Assimi Goita tuyên bố lãnh đạo chính quyền quân sự]

Từ Ottawa, Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính ở Mali, đồng thời kêu gọi các lực lượng an ninh Mali và các đối tượng tham gia lật đổ Tổng thống Keita tuân thủ trật tự Hiến pháp và tôn trọng quyền của tất cả người dân nước này.

Ông Champagne khẳng định Canada sẽ hợp tác chặt chẽ với ECOWAS và Liên hợp quốc (LHQ) nhằm đảm bảo khôi phục trật tự Hiến pháp và thực thi các điều khoản trong Thỏa thuận Hòa bình và Hòa giải tại Mali để người dân Mali có được nền hòa bình.

Tình hình Mali bắt đầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng Bảy vừa qua khi Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Keita từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai.

Mặc dù ECOWAS, Liên minh châu Phi và cộng đồng quốc tế đã nỗ lực triển khai các biện pháp trung gian hòa giải nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang, song tình hình Mali tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngày 18/8, các binh sỹ Mali đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ.

Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sỹ bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội. Trong khi đó, nhóm binh lính tự xưng là Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới.

Phong trào đối lập M5-RFP đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh lính này. Đại tá quân đội Mali Assimi Goita ngày 19/8 đã tự tuyên bố là thủ lĩnh cuộc binh biến, trong khi phát ngôn viên của CNSP Ismael Wague Mali đề nghị người dân quay trở lại cuộc sống bình thường và cảnh báo chống lại các hành động phá hoại.

Phong trào đối lập M5-RFP ngày 19/8 tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền quân sự thúc đẩy "một lộ trình" chuyển tiếp chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục