Tại hội nghị cấp cao lần thứ ba, đang diễn ra ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, lãnh đạo các nước thành viên tổ chức “Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa lĩnh vực” (BIMSTEC) ngày 4/3 đã ra tuyên bố chung thể hiện quyết tâm phối hợp nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, chống buôn bán ma túy, nhất trí đẩy mạnh kết nối và hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng, giao thông và môi trường.
Trong tuyên bố chung được đưa ra khi kết thúc phiên đầu tiên của hội nghị kéo dài hai ngày, lãnh đạo các nước Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Bhutan và Nepal nhấn mạnh các nước thành viên BIMSTEC thừa nhận nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố đối với hòa bình, ổn định và tiến bộ kinh tế, nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và chống tội phạm xuyên quốc gia.
Các nhà lãnh đạo BIMSTEC kêu gọi xúc tiến phê chuẩn Công ước BIMSTEC về hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống buôn bán ma túy, đồng thời sớm ký Công ước BIMSTEC về trợ giúp lẫn nhau trong vấn đề chống tội phạm.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh lưu ý khu vực BIMSTEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức chung, từ thiên tai đến chủ nghĩa khủng bố, đòi hỏi sự phối hợp của các nước nhằm đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng tại châu Á và toàn thế giới.
Tổng thống nước chủ nhà U Thein Sein cho rằng đứng trước nguy cơ mới từ những thách thức không truyền thống và những thách thức xuyên quốc gia về biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực..., BIMSTEC phải kết hợp sức mạnh, cũng như nguồn lực với các cơ quan quốc tế khác để giải quyết.
Ông nhấn mạnh trong thời đại toàn cầu hóa, các nhóm khu vực và tiểu khu vực, với bản sắc văn hóa và lợi ích chung, không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc tăng cường hợp tác.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo BIMSTEC đã ký ba thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về thành lập Ban thư ký thường trực BIMSTEC, đặt tại thủ đô Dhaka của Bangladesh nhằm phối hợp và tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động và các dự án mà nhóm đã nhất trí; thỏa thuận thành lập Trung tâm về khí hậu và thời tiết của BIMSTEC, có trụ sở tại Ấn Độ, nhằm thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực như nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu khoa học ứng dụng về dự báo thời tiết và xây dựng khả năng nghiên cứu thời tiết; văn bản về thành lập Ủy ban các ngành công nghiệp văn hóa và Nhóm theo dõi các ngành công nghiệp văn hóa của BIMSTEC.
Về tự do thương mại, tuyên bố cho biết các nhà lãnh đạo BIMSTEC quyết định tiến tới hoàn tất dự thảo hiệp định thương mại hàng hóa với những quy định chung về xuất xứ đã được nhất trí và đưa ra những luật lệ cụ thể.
Hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá; quyết tâm tăng cường hợp tác trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và xây dựng năng lực xử lý trong trường hợp xảy ra thảm họa.
BIMSTEC được thành lập năm 1997, với 1,5 tỷ dân, tổng GDP của nhóm lên tới 2,5 nghìn tỷ USD và bao gồm các nền kinh tế năng động ở châu Á.
Năm 2004, BIMSTEC tiến hành hội nghị cấp cao đầu tiên tại thủ đô Bangkok của Thái Lan; Ấn Độ đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao lần thứ hai của BIMSTEC năm 2008 và là nước đi tiên phong trong một loạt sáng kiến trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch, giảm nhẹ thiên tai và tăng cường kết nối./.