Biểu tượng thời trang nước Mỹ và bước chuyển mình trong mùa COVID-19

Doanh thu bán buôn trong quý vừa qua đã tăng 167% so với cùng kỳ năm trước trong khi doanh thu trực tuyến toàn cầu tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 23% tổng doanh thu của Levi's.
(Nguồn: Getty Images)

Sau những ngày đen tối do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong giai đoạn đầu, hãng thời trang Levi Strauss & Co. đang đứng trước triển vọng xán lạn nhờ việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh và nhanh chóng nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Thay đổi chiến lược

Khi dịch COVID-19 bùng phát, các cửa hàng bán lẻ truyền thống buộc phải đóng cửa, doanh thu của Levi’s đã chịu thiệt hại nghiêm trọng với mức giảm hàng quý lên đến hơn 60%.

Harmit Singh, Giám đốc Tài chính của Levi's, cho biết kết quả bi quan này đã thúc đẩy chiến lược tăng cường bán hàng qua các kênh riêng của hãng.

Hồi tháng Hai, Levi’s cho biết doanh thu bán hàng trực tiếp tới khách hàng chiếm tới khoảng 40% tổng doanh thu của hãng trong năm ngoái.

[Xu hướng thời trang mới đẩy doanh thu của Levi"s tăng vượt dự kiến]

Levi’s mong muốn doanh thu từ bán hàng trực tiếp tới khách hàng sẽ đóng góp tới 60% tổng doanh thu trong năm nay của hãng.

Giám đốc điều hành Levi's Chip Bergh nhận định chiến lược tiếp cận và bán hàng trực tiếp tới khách hàng sẽ là hướng đi trong tương lai của hãng. Chiến lược hướng đến người tiêu dùng của Levi’s bao gồm các cửa hàng, bán hàng trực tuyến và các cửa hàng bách hóa kết hợp với đối tác.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, Levi’s đã tập trung vào việc thúc đẩy doanh số bán hàng qua mạng đồng thời sử dụng mạng lưới cửa hàng (khoảng 200 cửa hàng tại Mỹ) để thúc đẩy doanh số bán.

Hãng thời trang này đã tăng cường vận chuyển các đơn đặt hàng trực tuyến thông qua các cửa hàng của hãng thay vì các trung tâm phân phối lớn, như một cách để đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhanh hơn. Levi's cũng cung cấp dịch vụ nhận hàng ở chỗ đỗ xe cũng như tại cửa hàng.

Bên cạnh đó, Levi’s còn dựa nhiều hơn vào các bảng phân tích dữ liệu để giúp hãng tìm hiểu sâu hơn nhu cầu của khách hàng và điều chỉnh các dòng sản phẩm cho phù hợp.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân dành nhiều thời gian để ở nhà nên họ chuyển hướng sang mua sắm các mẫu quần jeans ống rộng thay vì quần ống bó.

Ông Bergh cho biết Levi's đã bổ sung nhiều mẫu quần áo rộng rãi để bắt kịp xu hướng thời trang và quyết sách này đang mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc.

Theo Levi’s, các tín đồ mua sắm tại Mỹ và Trung Quốc tăng cường tích trữ đồ jeans với các kích cỡ và kiểu dáng mới, qua đó đẩy doanh thu của hãng trong quý 2 của tài khóa 2020-2021 (kết thúc vào tháng 11/2021) cao hơn dự đoán của các nhà phân tích. Doanh thu bán hàng ở Mỹ và Trung Quốc đều đã vượt mức của năm 2019.

Thành quả đạt được

Việc nắm bắt kịp thời chu kỳ thời trang mới là nhân tố giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của Levi's.

Với việc nhiều người tiêu dùng làm mới hoàn toàn tủ quần áo của họ, Levi's đang tận hưởng đà phát triển trong mảng kinh doanh đồ jeans của mình.

Bên cạnh đó, việc tăng giá bán, tiết kiệm nguồn nguyên liệu và giảm hoạt động khuyến mại đã giúp Levi's gia tăng lợi nhuận.

Levi's cho biết họ đã sẵn sàng điều chỉnh lại phần lớn chi phí sản phẩm trong nửa đầu năm 2022.

Levi's cũng cho biết đang nỗ lực tăng cường hoạt động bán buôn với việc đầu tư vào mối quan hệ với các đối tác chính, chẳng hạn như với chuỗi cửa hàng bách hóa Nordstrom.

(Nguồn: Levi Strauss & Co.)

Doanh thu bán buôn trong quý vừa qua đã tăng 167% so với cùng kỳ năm trước trong khi doanh thu trực tuyến toàn cầu tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 23% tổng doanh thu của Levi's.

Trong quý kết thúc vào ngày 30/5, doanh thu của Levi's đạt 1,28 tỷ USD, cao hơn so với dự kiến trước đó. Lợi nhuận của Levi's trong quý trên đạt 65 triệu USD, sau khi lỗ ròng 364 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Levi's dự kiến doanh số bán hàng trong quý 3 của tài khóa hiện nay sẽ trở lại mức cao trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong nửa cuối tài khóa 2021, Levi's dự kiến doanh số bán hàng sẽ tăng 28-29% so với cùng kỳ tài khóa 2020 và tăng 4-5% so với cùng kỳ tài khóa 2019.

Từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu của Levi's đã tăng gần 40%, qua đó nâng giá trị vốn hóa thị trường của hãng lên khoảng 11,2 tỷ USD.

Được huyền thoại Levi Strauss sáng lập vào năm 1853, thương hiệu Levi’s được xem là biểu tượng thời trang của nước Mỹ.

Những chiếc quần jeans của thương hiệu này từng được coi “triết lý” của sự đổi mới và đánh dấu thời kỳ của chủ nghĩa cá nhân.

Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm song giá trị thương hiệu của Levi’s vẫn tồn tại lâu dài trong trái tim của người tiêu dùng trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục