Biểu tình quy mô lớn ở Italy phản đối chính sách kinh tế của chính phủ

Hàng trăm nghìn người dân Italy đã đổ xuống các đường phố tại thủ đô Rome ngày 9/2 nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của những nghiệp đoàn phản đối một số chính sách kinh tế của chính phủ cánh hữu Italy.
Biểu tình quy mô lớn ở Italy phản đối chính sách kinh tế của chính phủ ảnh 1Người dân Italy biểu tình phản đối tình trạng xuống cấp về cơ sở hạ tầng ở thủ đô Rome tháng 10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàng trăm nghìn người dân Italy đã đổ xuống các đường phố tại thủ đô Rome ngày 9/2 nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của những nghiệp đoàn phản đối một số chính sách kinh tế của chính phủ cánh hữu Italy.

Hiện chưa có báo cáo về các vụ bạo lực xảy ra do biểu tình. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kiểu này trong 4 năm qua tại Italy.

Truyền thông địa phương cho biết khoảng 200.000 người tham gia cuộc biểu tình do 3 nghiệp đoàn lớn gồm Tổng Liên đoàn lao động Italy (CGIL), Hiệp hội các nghiệp đoàn công nhân Italy (CISL) và Liên đoàn Lao động Italy (UIL) đại diện cho khoảng 10,8 triệu người lao động tổ chức.

Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ như “Vì tương lai việc làm,” kêu gọi chính phủ triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn và cải cách sâu rộng hơn so với hiện nay.

Các nghiệp đoàn cho rằng chính phủ đầu tư chưa hiệu quả vào những lĩnh vực tiềm năng tạo nhiều việc làm trong bối cảnh kinh tế Italy suy thoái cùng với sản lượng công nghiệp sụt giảm. Theo ông Maurizio Landini - lãnh đạo tổ chức lớn nhất trong 3 nghiệp đoàn CGIL với 5,5 triệu thành viên, vốn đầu tư đã giảm 30% trong 10 năm qua.

[Nền kinh tế Italy rơi vào tình trạng "suy thoái kỹ thuật"]

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Sky Tg24, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini cho biết ông không lo ngại trước việc đông đảo người lao động tham gia cuộc biểu tình trên. Ông Salvini thông báo chính phủ đã thông qua dự thảo ngân sách trước thềm Năm mới và "rõ ràng điều này sẽ đem lại hiệu quả trong những tháng tới."

Cuộc biểu tình trên diễn ra trong bối cảnh kinh tế Italy giảm 0,2% trong quý IV/2018 do kim ngạch xuất khẩu giảm, đẩy nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật” trong khi những vấn đề về ngân sách của chính phủ gia tăng.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi cuộc biểu tình quy mô lớn xảy ra cách đây 4 năm nhằm phản đối các kế hoạch cải cách của Thủ tướng khi đó Matteo Renzi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục