Biểu tình đòi đảm bảo quyền thương lượng tại Mỹ

Hàng nghìn công nhân viên chức chính phủ tại Ohio đã biểu tình tại nhà Quốc hội, phản đối dự luật bãi bỏ thương lượng tập thể.
Ngày 22/2, hàng nghìn công nhân và viên chức chính phủ tại bang Ohio, Mỹ đã biểu tình bên trong và trước tòa nhà Quốc hội của bang.

Cuộc biểu tình nhằm phản đối một dự luật do đảng Cộng hòa đưa ra, trong đó bãi bỏ quyền thương lượng tập thể của các công nhân và viên chức nhà nước, đồng thời giảm đáng kể quyền này của nhân viên cảnh sát và cứu hỏa.

Ohio là bang thứ hai của Mỹ biểu tình đòi đảm bảo quyền thương lượng tập thể. Trước đó, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại bang Wisconsin để chống lại một dự luật tương tự từ nhiều ngày nay và hiện vẫn chưa chấm dứt.

Cuộc biểu tình diễn ra trong lúc Quốc hội bang Ohio đang thảo luận một dự luật do Thượng nghị sỹ Cộng hòa Shannon Jones đưa ra, với lý do dự luật sẽ cho phép chính quyền cấp bang và địa phương kiểm soát tốt hơn các nguồn tài chính trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Các tổ chức công đoàn cho rằng đây là một sự tấn công trực tiếp vào quyền lợi của công nhân và viên chức chính phủ. Trong khi đó, đảng Dân chủ chỉ trích dự luật này mang động cơ chính trị và là đòn tấn công vào các tổ chức công đoàn, vốn có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ.

Bang Ohio hiện đối mặt với thâm hụt ngân sách khoảng 8 tỷ USD, chiếm 11% ngân sách bang. Dù mức thâm hụt này thấp hơn nhiều so với một số bang khác, nhưng đảng Cộng hòa vẫn cho rằng chính quyền cần có các biện pháp mạnh để đối phó với thâm hụt.

Đảng Cộng hòa hiện nắm 23 trong tổng số 33 ghế của Thượng viện bang Ohio, đủ để có thể thông qua một dự luật mà không cần sự có mặt của một nghị sỹ đảng Dân chủ nào. Vì vậy bang này không xảy ra tình trạng như bang Wisconsin, nơi tất cả 14 thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ đã bỏ sang bang khác để đảng Cộng hòa không có cơ hội thông qua dự luật.

Các cuộc biểu tình tại Wisconsin và Ohio có nguy cơ lan sang một số bang khác, nơi đảng Cộng hòa đang đưa ra các dự luật tương tự với nội dung bãi bỏ quyền thương lượng tập thể của công nhân và nhân viên chính phủ.

Đây được coi là một trong các cuộc biểu tình lớn nhất tại Mỹ kể từ thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục