Ngày 31/10, hàng nghìn người gồm những người nghỉ hưu, công nhân đóng tàu, giáo viên và người tàn tật... đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Athens (Hy Lạp) để phản đối chính sách thuế tài sản mới và kế hoạch của chính phủ tiếp tục cắt giảm trợ cấp xã hội.
Đoàn người biểu tình diễu hành qua trụ sở các Bộ Lao động và Tài chính với các biểu ngữ yêu cầu "giá trị", "sự tôn trọng" và chăm sóc y tế tốt hơn.
Tổng Thư ký Hội người mù Hy Lạp Panagiotis Markostamos cho biết đang có nhiều đồn đoán về việc những quyền lợi của người tàn tật, vốn đã không đủ để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày, sẽ lần đầu tiên bị cắt giảm.
Những người tàn tật ở Hy Lập nhận được khoản trợ cấp hàng tháng từ 230 đến 528 euro, với những người nghỉ hưu hoàn toàn là 650 euro, cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu theo quy định của luật pháp nước này là 585 euro.
Chủ tịch Hội người bị liệt miền Nam Hy Lạp Andreas Triantafyllou cũng lo ngại tiền trợ cấp có thể bị cắt giảm chỉ còn 500 euro và những người như ông sẽ không đủ khả năng chi trả các hóa đơn và tiền thuế.
Dự kiến, Quốc hội Hy Lạp trong tuần tới sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với những đề xuất thay thuế tài sản khẩn cấp bằng một loại thuế cố định, động thái phá vỡ cam kết của chính phủ liên minh hồi năm 2012 về việc hủy sắc thuế này.
Chính phủ Hy Lạp cũng dự kiến cắt giảm các phúc lợi xã hội và việc làm công cộng, điều làm nảy sinh một cuộc tổng đình công khác do các nghiệp đoàn phát động, dự kiến diễn ra vào ngày 6/11 tới.
Đầu tháng 11, bộ ba chủ nợ của Hy Lạp gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá những cải cách tài khóa của Hy Lạp.
Do ngân sách của chính phủ Hy Lạp có thể sẽ thiếu hụt khoảng 4 tỷ euro trong năm tài khóa 2015 - 2016, bộ ba này không loại trừ khả năng sẽ yêu cầu Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn nữa.
Hầu hết người dân Hy Lạp đã phải chịu mức cắt giảm lương và các khoản trợ cấp khoảng 30%, trong khi thuế ngày càng tăng kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát vào năm 2010./.