Biểu tình bùng nổ tại Bulgaria, Tây Ban Nha và Hy Lạp

Hàng nghìn người dân đã ra đường biểu tình tại Bulgaria, Tây Ban Nha và Hy Lạp để phản đối một số quyết sách của chính phủ các nước này.
Sinh viên hô khẩu hiệu phản đối chính phủ bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Sofia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/12, hàng trăm người dân thủ đô Sofia (Bulgaria) đã tham gia vào cuộc rước đuốc yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Plamen Oresharski phải từ chức.

Động thái trên phản ánh làn sóng biểu tình chống chính phủ ở quốc gia nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU) này trong nhiều tháng qua vẫn chưa có hồi kết.

Tập trung trước trụ sở Chính phủ và Phủ Tổng thống ở trung tâm Sofia, những người tham gia đã rước đuốc tiến đến tòa nhà Quốc hội với yêu sách là chính phủ phải từ chức.

Nhìn chung biểu tình diễn ra trong hòa bình, cho dù một số phần tử quá khích đã ném những ngọn đuốc vào tòa nhà Quốc hội và phá vỡ hàng rào cảnh sát.

Làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Bulgaria bắt đầu nổ ra từ khi Thủ tướng Plamen Oresharski bổ nhiệm nhân vật gây tranh cãi Delyan Peevski làm người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia (DANS) hồi tháng Sáu vừa qua.

Trước sức ép dư luận, Quốc hội Bulgaria đã bỏ phiếu hủy quyết định bổ nhiệm nói trên, tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra với mục đích chống chính phủ.

Trong khi đó, cảnh sát Tây Ban Nha hôm qua đã thực hiện lệnh bắt giữ ít nhất bảy người biểu tình gần trụ sở Quốc hội nước này.

Chiều 14/12, gần 4.000 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật tăng mức phạt lên 30.000 euro (40.800 USD) từ mức 1.000 euro đối với tội danh xúc phạm các biểu tượng quốc gia trong khi biểu tình.

Cùng ngày, gần 800 thành viên và người ủng hộ đảng cực hữu đối lập "Bình minh Vàng" đã biểu tình phản đối việc chính phủ chuẩn bị xây dựng nhà thờ Hồi giáo chính thức đầu tiên tại thủ đô Athens của Hy Lạp.

Trong số những người tham gia biểu tình có ba nghị sỹ Quốc hội thuộc đảng "Bình minh Vàng" và nhà lập pháp Eleni Zaroulia, vợ thủ lĩnh đảng này Nikos Michaloliakos - người đang bị tạm giam với cáo buộc tổ chức hoạt động tội phạm.

Athens là một trong số ít các thủ đô tại châu Âu chưa có nhà thờ Hồi giáo chính thức. Còn trên cả nước Hy Lạp hiện nay chỉ có một vài nhà thờ Hồi giáo chính thức ở khu vực Đông Bắc của Thrace, nơi nhóm thiểu số của người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống.

Một vài năm trở lại đây, hơn 200.000 người Hồi giáo nhập cư tại Athens chủ yếu từ các nước Pakistan, Afghanistan, Bangladesh và một số quốc gia khác đã sử dụng khu vực ngoài trời làm nơi cầu nguyện và thực hiện các nghi lễ tôn giáo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục