Biểu tình biến thành bạo động, cảnh sát Mỹ phải sử dụng biện pháp mạnh

Cảnh sát Mỹ buộc phải sử dụng hơi cay và các thiết bị tạo tiếng nổ để giải tán những nhóm người biểu bình liên tục hô các khẩu hiệu và châm lửa bên ngoài Nhà Trắng.
Người biểu tình phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd gây bạo động tại Washington D.C., Mỹ ngày 30/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đêm 31/5 (giờ địa phương), cảnh sát Mỹ đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng trong bối cảnh các cuộc đụng độ xảy ra tại nhiều nơi khi phong trào biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ bước sang đêm thứ 6.

Các cuộc biểu tình ở thủ đô Washington đã bước sang đêm thứ 3, lực lượng cảnh sát được bố trí dày đặc bảo vệ bên ngoài Nhà Trắng.

Hãng tin AFP (Pháp) đưa tin cảnh sát đã buộc phải sử dụng hơi cay và các thiết bị tạo tiếng nổ để giải tán những nhóm người biểu bình liên tục hô các khẩu hiệu và châm lửa bên ngoài Nhà Trắng.

Khoảng 1 giờ trước khi lệnh giới nghiêm tại Washington chính thức có hiệu lực (từ 23 giờ đêm 31/5 đến 6 giờ sáng 1/6), cảnh sát đã buộc phải ném nhiều lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông khoảng hơn 1.000 người biểu tình tụ tập và gây ra các vụ đụng độ ở khu vực công viên gần khu nhà ở và làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

[Video] Kinh hoàng xe bồn lao thẳng vào đoàn người biểu tình ở Mỹ

Trong một cuộc biểu tình khác ở phía Tây Bắc thủ đô Washington, người biểu tình xông vào một trung tâm thương mại, một siêu thị Target, một rạp chiếu phim và nhiều cửa hàng khác. Cảnh sát khu vực đã bắt giữ một số đối tượng.

Ở thành phố Atlanta, thủ phủ bang Georgia, đêm 31/5, cảnh sát chống bạo động cũng phải sử dụng súng hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình tụ tập nhiều giờ đồng hồ cho tới khi lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 21 giờ.

Hàng trăm cảnh sát, lực lượng Vệ binh quốc gia và các lực lượng an ninh khác đã được bố trí tại các địa điểm quanh Công viên Centennial, điểm tập trung nhiều người biểu tình dịp cuối tuần.

Lệnh giới nghiêm được áp đặt sau khi các cuộc biểu tình ôn hòa biến bạo động khi người biểu tình đốt pháo hoa và phóng hỏa các công trình gần công viên.

Cùng ngày, cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, đã bắt giữ một người lái xe bồn vì lao xe với tốc độ cao khi đi qua cầu có rất nhiều người đang tập trung biểu tình.

Hiện chưa có thông tin gì về người biểu tình bị thương nhưng theo thống đốc bang Minnesota Tim Walz, tài xế này đã được đưa tới bệnh viện sau khi bị cưỡng chế rời phương tiện và bị thương nhẹ.

Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy chiếc xe đột ngột lao tới khi hàng trăm người biểu tình đang tập trung trên cây cầu vốn đã được phong tỏa, không cho các phương tiện giao thông đi lại.

Tài xế dường như không có dấu hiệu giảm tốc độ khi lao tới đám đông, nhiều người phải vội vã nhảy lên lề đường trước khi chiếc xe thực sự dừng lại.

Thị trưởng Tim Walz cho rằng vụ việc này càng cho thấy rõ hơn tình trạng bạo lực trên đường phố tại những khu vực đang xảy ra biểu tình.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra tại Minneapolis và nhiều nơi khác trên toàn nước Mỹ kể từ hôm 25/5 sau vụ công dân Mỹ gốc Phi George Floyd đã tử vong sau khi bị 4 cảnh sát Mỹ bắt giữ.

Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được xác định là Derek Chauvin, đã đè cổ ông Floyd xuống đất bằng đầu gối trong gần 8 phút, trong khi ông này nằm sấp, bị còng tay và nói mình không thở được.

Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Cảnh sát Chauvin đã bị bắt giữ với cáo buộc giết người cấp độ 3 và ngộ sát.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington và khoảng 2.000 binh sỹ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến để đảm bảo an ninh trong các đêm diễn ra biểu tình.

Cho đến nay đã có hơn 20 thành phố tại Mỹ áp đặt giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục