Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố từ thiện với thông tin chương trình nghệ thuật nhân đạo dưới sự bảo trợ của các Trung tâm, Hiệp hội… liên quan đến người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em.
Điểm lạ là, các chương trình này, không biết có được cấp phép hay được sự đồng ý của chính quyền sở tại hay không nhưng biểu diễn công khai nhiều ngày tại các nút giao thông đông đúc, thu hút sự hiếu kỳ và khiến gây ùn tắc, ầm ỹ, mất trật tự mà không hề thấy bị nhắc nhở.
Theo điều tra nhiều ngày của nhóm phóng viên Vietnam+ thì các điểm thường xuyên diễn ra chương trình “tạp kỹ đường phố” này là ở: góc vườn hoa Lý Tự Trọng, ngã tư đường Thụy Khuê-Thanh Niên-Quán Thánh-Hoàng Hoa Thám, đường Dương Đình Nghệ, Mễ Trì, Từ Liêm… và còn khá nhiều điểm khác theo đơn thư của độc giả.
Phi nghệ thuật
Với sân khấu chỉ vỏn vẹn khoảng 4m2, nổi bật là chiếc phông đã quăn hai mép, sờn rách và in khá cẩu thả dòng chữ “Đoàn nghệ thuật nhân đạo – Nối vòng tay nhân ái cùng những người thiệt thòi,” phía trên in nhà bảo trợ là Trung tâm Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.
Sân khấu sơ sài, với mấy chiếc loa đời “ơ kìa,” một chiếc chân đèn chiếu sáng thẳng vào sân khấu, cách đó vài mét là bộ âm ly điều khiển âm thanh, micro… Và “đoàn nghệ thuật” với khoảng 4 “nghệ sĩ” bắt đầu biểu diễn một chương trình kéo dài 2 tiếng đồng hồ, thường là từ sau 20 giờ 30 cho đến tận 22 giờ 30 mới kết thúc.
Nói là bốn “nghệ sĩ,” nhưng cũng chỉ có hai người khiếm thị là thực sự biểu diễn, hai người còn lại, hoàn toàn lành lặn thì phụ trách kỹ thuật và trông… hòm tiền từ thiện.
Chương trình biểu diễn thì thật sự là kinh khủng, hệ thống loa đài xọt xẹt, rè rè đã thu sẵn lại được mở hết cỡ với các ca khúc buồn đến não nề thuộc thể loại “nhạc vàng.” Thậm chí đến cả lời MC cũng được thu sẵn, các “nghệ sỹ” chỉ việc lên sân khấu cứ thế mà “diễn nháp.”
Xen vào các ca khúc ảm đạm, là các phần tạp kỹ lộn xộn, bát nháo gồm: xiếc, ảo thuật kiểu phun lửa, tráo bài, đồng tiền biến mất, gạo biến thành cánh hoa…. trên nền nhạc chối tai và ầm ỹ hết cỡ. Càng về cuối, chương trình càng “bốc” với cả các bài hát remix sôi động, và phần này thì có thêm sự tham gia của các “nghệ sĩ” không khuyết tật.
Biểu diễn ngay nút giao thông, chương trình thu hút được đông người dân hiếu kỳ, chưa kể nhiều người đi đường dừng lại thành một dám đông vừa cản trở giao thông, vừa làm mất trật tự an ninh của khu phố.
Chưa kể, để “tiện” cho việc tiếp nhận các tấm lòng hảo tâm đang lưu thông trên đường, đoàn nghệ thuật còn dựng đến hai hòm từ thiện dựng đèn sáng trưng ngay bên vỉa hè và một hòm từ thiện trên sân khấu, liên tục phát đi những thông điệp kêu gọi lòng trắc ẩn của người xem.
Khoác áo nhân đạo
Xác minh về đoàn biểu diễn trên, phóng viên Vietnam+ đã đến làm việc với Trung ương Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam-đơn vị được in là với tư cách bảo trợ.
Đại diện Trung ương Hội, ông Nguyễn Bá Duyệt-Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội khẳng định: “Hội không hề bảo trợ cho bất cứ chương trình biểu diễn nghệ thuật nào đồng thời cũng không có chủ trương tổ chức các loại hình biểu diễn như trên.”
Ông Nguyễn Bá Duyệt cũng cho biết, khi nhận được thông tin phản ánh, Hội đã cho rà soát trung tâm nhỏ trực thuộc Hội nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành khác nhau và xác định không có trung tâm nào tổ chức chương trình.
“Đây là vấn đề chúng tôi rất bức xúc, không chỉ trong năm nay mà cũng đã nhiều năm chúng tôi bị lợi dụng danh nghĩa để đi làm các việc không đúng với tính chất của Hội. Tôi khẳng định các chương trình này là giả mạo,” ông Duyệt bức xúc.
Cũng theo ông Duyệt, sự việc này cũng đã xảy ra những năm trước, nhiều lần Hội đã phải trả lời cho các đơn vị ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bà Rịa-vũng Tàu, Hà Nội… bằng công văn thông báo các đoàn này không do Hội bảo trợ và đến năm nay Hội lại nhận được phản ánh tình trạng này.
Để ngăn chặn hiện tượng này, ông Nguyễn Bá Duyệt khẳng định sẽ có những văn bản gửi đến: Công an thành phố, phòng quản lý văn hóa thông tin các quận/huyện nhờ phát hiện, xử lý nhóm đối tượng giả mạo trên.
Xác minh tại địa bàn nơi diễn ra chương trình nghệ thuật nhân đạo tại quận Tây Hồ, bả Chu Minh Tân-Phó trưởng phòng Quản lý Văn hóa Thông tin cho biết, vào thời điểm diễn ra chương trình này, phòng không nắm được thông tin. Sau khi rà soát hồ sơ, bà Tân xác nhận đây là nhóm biểu diễn “chui,” tổ chức trái quy định do không xin phép địa phương cũng như xuất trình các giấy tờ liên quan về việc tổ chức biểu diễn.
Nhận trách nhiệm do sơ suất trong công tác quản lý văn hóa thông tin trên địa bàn, bà Tân nói: “Trước hết, trách nhiệm thuộc về phòng quản lý văn hóa phường sở tại, công an, đội an ninh phường chưa phát hiện, phản ánh vụ việc kịp thời. Sau, về trách nhiệm thường trực lĩnh vực này, phòng văn hóa quận sơ suất chưa bám sát để yêu cầu ngừng diễn và xử phạt theo quy định.”
Bà Tân cũng cho biết, Sở Văn hóa Thể thao-Du lịch Hà Nội cũng đã gửi văn bản cảnh báo các địa phương về hiện tượng giả mạo là các Trung tâm, Hội người khuyết tật để biểu diễn trục lợi. Ngoài ra, các nhóm đối tượng này thường lợi dụng những địa điểm giáp ranh giữa các phường, quận để biểu diễn nhằm gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương.
“Chúng tôi sẽ có chỉ đạo, tuyên truyền xuống các phường, đội kiểm tra liên ngành, công an an ninh văn hóa trực thuộc quận để tăng cường kiểm tra, rà soát, ngăn chặn kịp thời những chương trình mạo danh như vậy,” bà Tân quả quyết.
Như vậy, để tránh tiếp tay cho mục đích khoác áo từ thiện như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác, không dễ dãi đối với các đối tượng như trên đồng thời nếu người dân thấy bất cứ chương trình nào tương tự thì báo ngay cho chính quyền địa phương để xác minh rõ các đối tượng./.