Kết quả khi tiến hành đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia cho thấy bức tranh về giá thuốc đã khả quan hơn, đó là đã phá vỡ quan niệm trước đây là thuốc biệt dược gốc là thuốc độc quyền, không bao giờ giảm giá. Qua công tác đấu thầu thuốc vừa qua, thuốc biệt dược đã có sự giảm giá và giảm mạnh.
[Mỹ mở rộng điều tra các hãng dược phẩm ''làm giá'' thuốc]
Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến phía Bắc (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị cung cấp thông tin kết đấu thầu thuốc cấp quốc gia một số thuốc chữa bệnh do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 5/1, tại Hà Nội.
Biệt dược gốc giảm giá tới 15%
Thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tổ chức thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với một số thuốc sử dụng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.
Trong quý 4 năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng, giá kế hoạch được phê duyệt đã giảm từ 5 đến 15% so với các mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó.
Cụ thể, theo kết quả trúng thầu đã công bố, thuốc biệt dược gốc có 5/5 mặt hàng dự thầu trúng thầu, thuốc Generic ở 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam có 15/19 gói trúng thầu.
Ông Đức cho hay: "Điều lo nhất khi xây dựng giá kế hoạch thấp là không có nhà thầu trúng. Tuy nhiên, thực tế trong lần đấu thầu này giá 5 biệt dược gốc đã giảm mạnh nên phá vỡ quan niệm trước đây là thuốc biệt dược gốc độc quyền, không bao giờ giảm giá.”
Đáng lưu ý, đối với 5 mặt hàng biệt dược gốc trúng thầu, nhiều mặt hàng giảm thấp hơn cả giá kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra.
Có hai thuốc giảm 15% là Meropenem hàm lượng 500mg và Meropenem hàm lượng 1g (giá thuốc bình quân năm 2017 là 803.722 đồng, giá kế hoạch đấu thầu là 708.000 đồng, giá trúng thầu 683.164 đồng), thuốc Ceftriaxon giảm 14,6% (giá thuốc bình quân năm 2017 là 181.440 đồng, giá kế hoạch đấu thầu là 155.000 đồng, giá trúng thầu là 154.900 đồng), thuốc Levofloxacin giảm 11,2% và thấp nhất là thuốc Cefoperazon + Sulbactam giảm 9,8%.
Biểu đồ so sánh về kết quả đấu đầu biệt dược gốc
Tổng giá trị của 20 mặt hàng trúng thầu đã công bố là 935,99 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,15%, tương ứng số tiền là 251,13 tỷ đồng. Trong đó, biệt dược gốc giảm 13,82%, giá thuốc Generic sau trúng thầu đã giảm bình quân 33,81% so với giá đã đấu thầu ở các tỉnh năm 2017.
Các thuốc ở nhóm 1 đều giảm sâu. Thậm chí, thuốc Levofloxacin 500mg đã giảm tới 54,7%. Đây là thuốc có nguồn gốc sản xuất trong nước, được hưởng ưu đãi cao.
Điều chỉnh hợp lý giá thuốc
Theo ông Phạm Lương Sơn, kết quả của lần đầu tiên đấu thầu thuốc quốc gia này sẽ góp phần đáng kể để điều chỉnh hợp lý giá thuốc sử dụng cho người bệnh bảo hiểm y tế nói riêng và người dân nói chung.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn chỉ rõ: "Gói thầu đã đảm bảo được 2 mục tiêu quan trọng nhất của cung ứng thuốc. Mục tiêu thứ nhất là đảm bảo đủ thuốc, kịp thời cho người bệnh và với chất lượng thuốc tốt nhất. Mục tiêu thứ hai là kiểm soát giá, giảm giá thuốc một cách hợp lý, đưa thuốc về đúng giá trị của nó, đảm bảo lợi ích hài hoà các bên và xuyên suốt là lợi ích của người dân và người bệnh."
Theo ông Sơn, khởi động gói thầu từ tháng 10/2017, đến cuối tháng 12/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có thỏa thuận khung với các nhà thầu cam kết đảm bảo chất lượng thuốc, khả năng cung ứng và tiến độ cung ứng thuốc để phục vụ người bệnh ngay từ đầu năm 2018. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có hệ thống theo dõi cung ứng- sử dụng thuốc đấu thầu thuộc hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Do đó, đảm bảo việc kiểm soát cung ứng thuốc kịp thời, không để cơ sở y tế nào bị thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Mặc dù đây lần đầu tiên thí điểm tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thuốc hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi cho khám chữa bệnh của bảo hiểm y tế. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tổng chi cho thuốc từ quỹ bảo hiểm y tế năm 2015 hơn 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48%. Năm 2016 con số này hơn 31.500 tỷ đồng (41%).
Ông Sơn cũng cho biết đang tiến tới đề xuất đấu thầu tập trung vật tư y tế, cụ thể là thủy tinh thể nhân tạo, vật liệu thay thế khớp gối, khớp háng và vật tư can thiệp tim mạch. Khi đó, giá thành các vật tư y tế này cũng sẽ giảm rất nhiều so với hiện nay./.