Biến thể virus SARS-CoV-2 mới có thể đẩy Anh vào một cuộc khủng hoảng?

Số ca nhiễm tăng mạnh khiến chính phủ Anh phải hủy kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế trong dịp Giáng sinh và vì lý do an toàn, chính phủ nhiều nước nhiều nước khác đã cấm người nhập cảnh từ Anh.
Biến thể virus SARS-CoV-2 mới có thể đẩy Anh vào một cuộc khủng hoảng? ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi trên đường phố tại London, Anh ngày 21/12/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hai câu chuyện lớn ở nước Anh trong năm 2020, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đã phát triển song hành mà không ảnh hưởng nhiều đến nhau.

Tuy nhiên, theo tạp chí Economist của Anh, sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-CoV-2 là VUI-202012/01 được cho là đặc biệt dễ lây lan, khiến nhiều quốc gia châu Âu và các nơi khác cấm người nhập cảnh từ Anh.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 23/12 tuyên bố Anh đã phát hiện một biến thể mới thứ hai của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 ở hai bệnh nhân có tiếp xúc với những người đã từng tới Nam Phi.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Hancock cho biết "đây không phải thông tin mà bất kỳ người nào cũng muốn công bố," khi mà Chính phủ Anh đang cố gắng đối phó với biến thể có khả năng lây nhiễm cao được phát hiện tại vùng England vài tuần trước.

[Dịch COVID-19: London có một mùa Giáng sinh khác lạ]

Tuy nhiên, theo ông Hancock, biến thể mới được cho là xuất phát từ Nam Phi thậm chí có khả năng lây lan cao hơn và dường như đã biến đổi nhiều hơn.

Bộ trưởng Hancock nêu rõ: "Biến thể mới này vô cùng đáng quan ngại."

Đồng thời, ông Hancock cũng thông báo rằng Anh sẽ áp dụng tức thì các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại từ Nam Phi và đưa những người tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân trên cũng như những người từng tới Nam Phi vào diện cách ly.

Trước đó, một số nước đã đóng cửa biên giới với Anh từ hôm 21/12 do lo sợ nguy cơ lây nhiễm cao do các biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 gây ra sau khi các biến thể mới này được phát hiện ở quốc gia châu Âu này.

Trên thực tế, các virus luôn có xu hướng biến đổi. Biến thể của virus SARS-CoV-2 dường như khiến cho loại virus này dễ lây lan hơn. Không ai chắc biến thể này có nguồn gốc từ Anh hay không.

Tuy nhiên, sự lây lan của COVID-19 đã tăng nhanh ở Anh. Số ca nhiễm đã tăng gần gấp đôi trong tuần tính đến ngày 20/12, khiến chính phủ nước này phải hủy kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế trong dịp Giáng sinh và vì lý do an toàn, chính phủ nhiều nước khác đã cấm người nhập cảnh từ Anh.

Các nước gồm Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Áo, Ireland, Bỉ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Nga, Canada, Ấn Độ, Pakistan, Jordan đã ngừng tiếp nhận khách du lịch đến từ Vương quốc Anh. Saudi Arabia, Kuwait và Oman đã đóng cửa biên giới hoàn toàn.

Việc đóng cửa này được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn đã được phát hiện ở nước này.

Việc đóng cửa biên giới này đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong ngành vận chuyển và làm gia tăng nguy cơ thiếu lương thực.

Tình trạng này xảy ra chỉ vài tháng trước khi vắcxin ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi, gieo reo rắc nỗi lo sợ mới về đại dịch đã khiến khoảng 1,7 triệu người thiệt mạng trên thế giới.

Trên thị trường tài chính, tình trạng báo động toàn cầu cũng được phản ánh rõ nét.

Ngay sau khi có thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cổ phiếu của các công ty châu Âu sụt giảm, nhất là cổ phiếu du lịch và giải trí.

Trong đó, cổ phiếu IAG, chủ sở hữu của British Airways và easyJet giảm khoảng 7%, trong khi Air France KLM mất khoảng 3%. Đồng bảng Anh giảm 2,5% so với đồng USD, trong khi lợi nhuận trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn hai năm cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Tại các sân bay Berlin và Frankfurt (Đức), hành khách đến từ Anh phải nghỉ đêm 21/12 tại sân bay để chờ kết quả kiểm tra.

Eurotunnel, nhà điều hành đường sắt vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa Anh và châu Âu lục địa cũng đã đình chỉ dịch vụ tại Vương quốc Anh.

Sau khi Pháp thông báo sẽ đóng cửa biên giới đối với xe tải từ Anh, hàng trăm phương tiện, chủ yếu do các tài xế từ lục địa châu Âu vận hành, đã mắc kẹt bên ngoài cảng Dover, nơi có lưu lượng khoảng 10.000 xe tải đi qua mỗi ngày, chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa giao thương của cả nước Anh.

Trưa 21/12, Hiệp hội Vận tải đường bộ (RHA) cho biết các xe tải xếp hàng trên đường M20 dẫn vào cảng Dover đã "dài tới hàng dặm."

Đến ngày 23/12, Pháp đã cho phép công dân các quốc gia thành viên EU được phép vào nước này từ Anh nhưng phải có kết quả xét nghiệm âm tính, cho phép những lái xe tải bị mắc kẹt trong hai ngày bởi lệnh cấm trở về nhà.

Mọi công dân Anh, trừ tài xế xe tải, xe buýt và tàu hỏa - những người sống ở các nước thành viên EU, không được phép vào Pháp.

Các biện pháp cấm đi lại giữa Anh với các nước có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Anh nếu các hạn chế kéo dài.

Người mua sắm ở Anh có thể phải hứng chịu tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm tươi sống.

Việc Pháp đóng cửa biên giới đối với người và xe tải đến từ Anh cũng đồng nghĩa đóng cửa một trong những "động mạch" thương mại quan trọng nhất của Anh với lục địa châu Âu.

Phát ngôn viên của liên đoàn vận tải đường bộ Pháp chia sẻ: “Không có tài xế nào muốn giao hàng đến Vương quốc Anh, vì vậy Vương quốc Anh sẽ chứng kiến nguồn cung cấp hàng hóa của mình cạn kiệt.”

Biến thể virus SARS-CoV-2 mới có thể đẩy Anh vào một cuộc khủng hoảng? ảnh 2Khu vực cửa khẩu thông thương giữa Pháp với Anh dẫn tới cảng Dover ở Kent, Đông Nam Anh đóng cửa ngày 21/12/2020, trong bối cảnh hàng loạt quốc gia ban hành lệnh đóng cửa biên giới cũng như ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ xứ sở sương mù. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại diện chuỗi siêu thị Sainsbury's của Anh cho biết tình trạng thiếu hụt hàng hoá sẽ xuất hiện trong vòng vài ngày tới nếu quan hệ vận tải không nhanh chóng được khôi phục, bởi các loại rau quả đều được nhập khẩu từ châu Âu lục địa.

Trên tờ Le Monde, nhà dịch tễ học Mahmoud Zureik nhìn nhận: “Tình trạng cân bằng hiện nay giữa nhu cầu y tế và kinh tế của Anh cực kỳ mong manh và mọi việc có thể đảo lộn rất nhanh.”

Ireland cấm các chuyến bay đến từ Anh cho đến ngày 31/12 tới. Tất cả những người đến Ireland từ Anh kể từ ngày 8/12 tới đều phải tự cách ly trong vòng 14 ngày.

Hà Lan dù đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại từ Anh nhưng tất cả những người đến Hà Lan, trong đó có cả công dân EU, cần phải thực hiện xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính ngay trước khi vào nước này. Họ cũng cần phải tự cách ly trong vòng 10 ngày.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang tạm ngừng các chuyến bay, riêng Tây Ban Nha chỉ cho phép các công dân nước này từ Anh trở về nước cho đến ngày 5/1/2021.

Ba Lan cũng cấm tất cả các chuyến bay đến từ Anh. Italy đình chỉ tất cả các chuyến bay đến từ Anh cho đến ngày 6/1 và cấm nhập cảnh đối với những người đã ở Anh trong 14 ngày qua.

Hiện Italy đã có 1 ca nhiễm chủng mới nói trên và người này vừa trở về từ Anh.

Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên EU mở cửa trở lại biên giới với Anh và thay thế lệnh phong tỏa bằng việc yêu cầu xét nghiệm bắt buộc khi nhập cảnh.

Trong khi đó, ngày 23/12, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Hãng hàng không China Southern Airlines, một hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc tính về số lượng hành khách, sẽ tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ London thời gian từ 24/12-7/1.

Hãng China Southern Airlines đang khai thác chuyến bay một lần/tuần giữa Quảng Châu-London.

Hàn Quốc cũng thông báo sẽ tạm ngừng khai thác các chuyến bay đến từ Anh từ ngày 23-31/12.

Ngoài ra, Seoul cũng sẽ ngừng cấp giấy miễn cách ly tại các cơ quan ngoại giao Hàn Quốc tại Anh. Tất cả những người nhập cảnh từ Anh sẽ đều phải cách ly trong vòng 14 ngày và vẫn phải xét nghiệm thêm một lần nữa sau khi hết thời gian cách ly.

Việc các nước đóng cửa biên giới với Anh gây thêm lo ngại, tuy nhiên chưa đến mức phải báo động mà chỉ nên thận trọng.

Khi phát triển vắcxin, các nhà khoa học nhằm vào phần hoạt động tích cực nhất của virus và chuẩn bị các phản ứng tự vệ đối với những nhân tố truyền nhiễm, đồng thời giám sát sao các nhân tố đó không bị đột biến lớn.

Tuy nhiên, không thể dự tính trước mọi đột biến. Thích nghi với biến thể mới của virus là một tiến trình được cải thiện dần cùng với thời gian.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, Giáo sư Michel Goldman, Khoa Miễn dịch - Đại học tự do (Bỉ), cho biết biến thể là làm thay đổi chiếc “chìa khóa” virus dùng để đi vào tế bào. Các biến thể virus chủng mới chủ yếu là những virus mạnh, có khả năng tránh được phản ứng của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, đa phần chúng đều lành, tức là không làm thay đổi đặc tính nguy hiểm của virus, mức độ lây truyền hay phản ứng của hệ miễn dịch.

Trong trường hợp ở nước Anh, các nhà khoa học đánh giá biến thể mới của virus SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây truyền của virus lên từ 40-70%. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy bệnh dịch này trở nên nặng hơn, mà trái lại nó chỉ xuất hiện nhanh hơn.

Theo Giáo sư Michel Goldman, trước thực tế biến thể mới của virus lây nhiễm mạnh hơn, phải tôn trọng các biện pháp vệ sinh y tế, phòng ngừa. Virus giờ đây có thể lây đến cả những người thận trọng nhất, hay được bảo vệ tốt nhất như Tổng thống Pháp chẳng hạn. Cần triển khai nhanh nhất các loại vaccine và phải đạt được tỷ lệ lớn người tiêm chủng trong dân chúng. Đó là rào cản tốt nhất để chặn đà lây truyền virus đồng thời cũng là để ngăn không để virus trở nên nguy hiểm qua các đột biến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục