Với số ca tái nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tăng vọt, các nhà khoa học Anh lo ngại biến thể Omicron với khả năng lây truyền cao có thể làm gia tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã khỏi bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại London, Giáo sư dịch tễ học Neil Ferguson tại Đại học Hoàng gia London cho biết 10-15% số ca nhiễm biến thể Omicron ghi nhận ở Anh vào tuần trước là những người đã bị nhiễm một biến thể khác trước đó.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy người nhiễm biến thể Omicron có thể tái nhiễm biến thể này.
Tuy nhiên, các quan chức y tế Anh lo ngại rằng khả năng lây truyền cao và "né tránh" miễn dịch của biến thể Omicron có thể dẫn đến các trường hợp tái nhiễm cùng một biến thể.
Họ cũng lo ngại về tình trạng nhiễm cùng lúc biến thể Omicron và một biến thể khác trong giai đoạn này của đại dịch.
Theo dữ liệu chưa đầy đủ công bố tại Anh, tất cả các trường hợp tái nhiễm virus SARS-CoV-2 đều là những người đã nhiễm Delta và các biến thể khác.
Trước đó, ngày 6/1, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết cơ quan này đã xác định được hơn 268.000 trường hợp có “nguy cơ tái nhiễm” - tức là xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ít nhất 90 ngày sau lần dương tính trước đó.
Trong tuần từ 26/12/2021 đến 2/1, trong khoảng 1 triệu ca mắc COVID-19 tại Anh, UKHSA đã xác định được 59.783 trường hợp tái nhiễm.
Tuy nhiên, chỉ khi phân tích gene đầy đủ mới có thể chứng minh rằng một trường hợp là tái nhiễm thực sự khi đã hoàn toàn sạch virus và bị nhiễm lại.
[COVID-19: Ý kiến trái chiều về sự tồn tại của biến thể Deltacron]
Các nghiên cứu dựa trên dân số cũng có thể chưa đánh giá được đầy đủ tỷ lệ tái nhiễm do nhiều trường hợp tái nhiễm lần hai dường như nhẹ và không gây ra triệu chứng.
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng lần nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt nếu bị tái nhiễm với một biến thể khác như Omicron.
Giáo sư miễn dịch học Charles Bangham tại Đại học Hoàng gia London cho biết: “Sự lây nhiễm tự nhiên có thể cung cấp khả năng miễn dịch phản ứng chéo tốt hơn so với các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện tại trong việc chống lại các biến thể khác.”
Ông Bangham giải thích rằng lây nhiễm tự nhiên tạo ra các tế bào T nhận ra các protein bên trong virus cũng như các protein đột biến.
Ông nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 sẽ gây tái nhiễm vài năm một lần, nhưng hệ thống miễn dịch của con người, đặc biệt là tế bào T, vẫn sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt.
Hầu hết các nhà virus học và miễn dịch học cho rằng về lâu dài, virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành một loại virus đặc hữu có thể gây tái nhiễm nhiều lần do khả năng đột biến của virus và khả năng miễn dịch của con người suy yếu theo thời gian.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý chỉ một số ít người mắc bệnh nặng nếu bị tái nhiễm./.