Biến thể Omicron có thể giúp thế giới thoát khỏi giai đoạn đại dịch

Với lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng và sự xuất hiện của Omicron, miễn dịch tự nhiên cùng với sự miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Biến thể Omicron có thể giúp thế giới thoát khỏi giai đoạn đại dịch ảnh 1Hành khách chờ xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon, phía tây thủ đô Seoul (Hàn Quốc), ngày 8/1/2022. (Ảnh: Yonhap/ TTXVN)

Mặc dù hiện COVID-19 vẫn là đại dịch, song sự lây lan của biến thể Omicron đang khiến COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung. Đây là nhận định được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra ngày 11/1.

Phát biểu với báo giới, ông Marco Cavaleri, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA, nêu rõ không ai có thể biết chính xác khi nào đại dịch sẽ kết thúc song ông tin tưởng các nước sẽ ở vào thời điểm đó.

Theo ông, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày một gia tăng và sự xuất hiện của biến thể Omicron, miễn dịch tự nhiên cùng với sự miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh "chúng ta vẫn ở trong giai đoạn đại dịch," số ca nhiễm mới gia tăng do biến thể Omicron lây lan đang gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế.

Trước đó, cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định hơn 50% dân số châu Âu có thể nhiễm Omicron trong 2 tháng tới, đồng thời cảnh báo việc tiêm nhắc lại các mũi tăng cường vaccine không phải "chiến lược bền vững."

[WHO cảnh báo hơn 50% dân số châu Âu nhiễm Omicron trong vài tuần tới]

Cùng chung quan điểm trên, ông Cavaleri cho rằng nếu thực thi chiến lược tiêm mũi tăng cường vaccine 4 tháng/lần, các nước có thể gặp các vấn đề về phản ứng miễn dịch. Bên cạnh đó, người dân có thể cảm thấy mệt mỏi khi liên tục phải tiêm mũi tăng cường vaccine.

Do đó, theo người phụ trách chiến lược vaccine của EMA, các nước cần xem xét việc tăng khoảng cách giữa các mũi tiêm tăng cường, triển khai tiêm mũi tăng cường vào đầu mùa Đông như việc tiêm mũi vaccine phòng cúm như hiện nay.

Chuyên gia: Mỹ đang ở "ngưỡng" sống chung với COVID-19

Cũng trong ngày 11/1, Tiến sỹ Anthony Fauci - chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cho rằng dù số ca mắc mới và nhập viện của Mỹ đang ở mức cao chưa từng thấy, song nước này đang tiến đến "ngưỡng" chuyển sang sống chung với COVID-19 như một bệnh có thể kiểm soát được.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhà khoa học hàng đầu của Mỹ cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn COVID-19 là "không thực tế" và việc tất cả mọi người đều có thể nhiễm Omicron - biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan chưa từng thấy, hoàn toàn có thể xảy ra.

Biến thể Omicron có thể giúp thế giới thoát khỏi giai đoạn đại dịch ảnh 2Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại London (Anh), ngày 18/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông, với khả năng lây lan nhanh, virus SARS-CoV có thể tạo ra nhiều biến thể mới, tấn công những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Mặc dù hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 giảm, song cho đến nay, những người đã tiêm vaccine vẫn được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng.

Tiến sỹ Fauci nhấn định với sự xuất hiện của Omicron, Mỹ hy vọng có thể bước vào giai đoạn mới - có đủ sự bảo vệ trong cộng đồng, đủ thuốc để bất kỳ ai mắc bệnh và thuộc nhóm nguy cơ cao có thể được điều trị dễ dàng.

Ông cho rằng hiện Mỹ có thể đã ở "ngưỡng cửa" của giai đoạn này. Do số ca nhiễm mới liên tục ghi nhận ở mức cao kỷ lục, mỗi ngày khoảng 1 triệu ca nhiễm mới và gần 150.000 người phải nhập viện, hơn 1.200 người không qua khỏi, nên chưa thể nói nước Mỹ đã "ở giai đoạn mới"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục